Ai đi qua những ngày hè tháng Năm mà không nhung nhớ: Rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, phải không?

0
1720

Chúng ta có một tuổi thơ đi qua đầy trong trẻo, có những mối tình ngọt ngào tuổi ô mai khắc khoải một miền ký ức và có cả những ngày cuối cùng lớp 12 – khoảng thời gian của những vụng dại, ngây thơ nhưng ai cũng mong ngày trở lại.

Đã 10 năm kể từ ngày tôi rời cấp ba, rời lớp mười hai từ một ngôi trường nho nhỏ ven thành thị. Thuở đó, chúng tôi vẫn ngồi học toát mồ hôi trong các lớp học đông đúc, sĩ số lúc nào cũng trên 50, vừa quạt phe phẩy vừa cố gắng giải cho xong con tích phân này, “tụng” hết tiểu sử của Nam Cao, Tô Hoài rồi chia động từ sao cho chuẩn. Thoáng qua như mới hôm nào mà cũng đã 10 năm….

Thời gian lướt nhanh như trang vở trước gió, cuộc sống học trò giờ đã khác; các em có điều hòa, có Facebook và vô vàn những vật chất hiện đại nhưng có lẽ, thứ không bao giờ thay đổi là cảm giác luyến lưu khi ngày chia tay đã gần kề. Thế hệ của tôi và thế hệ của hiện tại, vẫn níu lại nhìn sân trường vắng vẻ, lừng chừng khi bác bảo vệ đóng cửa “đuổi” về, chỉ muốn là người cuối cùng đứng lại hành lang lớp học và nhìn mọi người ra về. Nếu đó là một ngày đầy nắng, nỗi buồn cũng bàng bạc trôi giữa tầng không.

“Gửi Trang thân mến,

Con còn nhớ bố không, bố dốt văn ít chữ mà cũng phải viết lưu bút cho mày là sao nhỉ? Quý mày nhất cái lớp 12A9 này nên bố mới viết cho mày đấy nhé…”

Lưu bút – cuốn sổ không có đầy kiến thức, không có điểm sổ nhưng chất chứa cả tình cảm của thời học sinh. Nó vẫn ở đâu đó trong ngăn tủ bàn học, cất sâu trong hộp ký ức hay theo chúng tôi khắp bốn phương trời.

“Còn có hơn tháng nữa thôi, viết nhanh lên tao còn đưa đứa khác viết…” – những cuốn sổ lưu bút cứ chuyền tay nhau “cộc cằn” mà mộc mạc như vậy. Ai cũng mong giữ lại được những ký ức thật đẹp của thời học sinh. Chúng tôi dặn nhau hãy viết vào giờ ra chơi, khi tiếng ve râm ran như thúc giục đám trẻ rằng “chẳng còn mấy ngày nữa là mùa hè ùa tới, mùa chia tay cũng theo nắng về từng lớp học”. Và viết vào buổi đêm nữa, khi nỗi sợ cổng trường đại học cứ cao dần, hãy nhớ lại từng gương mặt, những “anh, chị, bố, con” cũng đang hì hụi viết giấc mơ của đời mình – một giấc mơ dựng lên từ những buổi học ngồi bên cửa sổ, nhìn ra ngoài có khoảng trời cao vợi.

Lần hồi trong những năm tháng học sinh, có nỗi buồn đã thành dĩ vãng, có niềm vui cũng không còn vẹn nguyên nhưng cảm xúc trong từng trang lưu bút như vừa mới hôm qua. Có những người không viết lưu bút, họ gửi nhau một bức thư tay; đó là những câu từ đặc biệt hơn, một mối tình trung học dở dang hay lời yêu chưa dám ngỏ, để rồi khi thời gian dừng lại nơi đây, họ mới dám trao nhau không còn thẹn thùng. Mai sau này, chắc gì còn gặp nhau mà thẫn thờ?

Cuốn sổ lưu bút, chúng tôi luôn dành trang đầu tiên và cuối cùng cho người đặc biệt nhất. Nếu những mến thương dại khờ ngày nào có dần trôi qua, ta vẫn còn một ký ức để biết mình từng hạnh phúc.

“Cảm ơn mày vì đã để cho tao là người cuối cùng viết những dòng này. Tao từng nghĩ mày sẽ không chơi với tao nữa khi biết rồi tao sẽ đi du học, nhưng khi nào nhớ tao, không gọi được điện thì hãy cứ đọc hết 5 trang lưu bút này nhé…”

Bất kể đó là tiết gì, chỉ cần biết đó là buổi học cuối cùng, ắt hẳn đó phải thực sự đặc biệt. Đó là buổi học trước giờ sinh hoạt; lần cuối cùng chúng tôi mở sách vở ra, nhìn cô giảng bài nhưng tâm trí đã đi hoang mải miết. Chúng tôi nghĩ về ngày bế giảng, buổi liên hoan cuối cùng, cánh cổng trường đóng lại trước mắt.

“Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019

Ôn tập cuối năm…”

Tôi không nhìn ra chữ “ôn tập”, tôi chỉ thấy chữ “Tạm biệt”. Tôi không thấy lũ bạn hay cô giáo trên bục giảng, xung quanh mờ dần đi, từng người biến mất để lại mình tôi trong lớp học trống rỗng. Có lẽ tất cả đều đang nghĩ vậy. Chúng tôi chép từng lời cô giảng, dù đó là bài học rời rạc hay chẳng còn nghĩa lý gì – Vì đó là buổi học cuối cùng.

Nga không lấy vở toán ra làm trong giờ công dân, Mai không tranh thủ viết văn suốt giờ công nghệ, thằng Nam cũng không lén lút “cày” ngữ pháp tiếng Anh suốt giờ Hóa. Chúng tôi “trả” buổi học cuối cùng cho cô, bỏ lại những nghịch ngợm, hỗn hào, quậy phá bên ngoài cửa lớp, cố gắng thu vén những kỷ niệm cuối cùng nơi phấn trắng bảng đen. Tiếng đồng hồ tíc tắc như gõ nhịp lòng từng đứa một. Lũ học trò chúng tôi háo hức chờ hết năm là vậy mà sao khoảnh khắc ấy, tiếng trống hết tiết nghe mới buồn lòng làm sao.

Thầy cô sẽ lại quay về bục giảng, chúng tôi cũng sẽ về thăm trường cũ, lớp học cũng vẫn còn nguyên nhưng không còn là lớp học của chúng tôi, bài giảng của ngày xưa nữa.

Theo Kenh14