Bài toán nguồn lực ngành CNTT Việt Nam

0
1479
Sinh viên Đại học FPT có 4 – 8 tháng thực tập thực tế tại doanh nghiệp để cọ xát với thực tế, tích lũy kinh nghiệm cũng như tìm hiểu về văn hóa công ty.

Với sự phát triển và bùng nổ không ngừng của lĩnh vực CNTT trong thời gian gần đây, việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao đang là thách thức đối với những nhà quản lý và doanh nghiệp nói chung.

Thực trạng nguồn lực

Tháng 11/2016, công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks đã công bố báo cáo về ngành CNTT ở Việt Nam. Theo đó, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – phần mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Nguyên nhân chính là do số lượng doanh nghiệp tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% so với năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm.

VietnamWorks thậm chí còn đưa ra ước tính nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực IT mỗi năm, và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực IT, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực IT thị trường cần. Tuy nhiên, để đạt được tỉ lệ người tìm việc so với công việc ngành IT ở mức 17 ứng viên cho mỗi công việc (tỉ lệ năm 2013), thì cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành IT vào năm 2020. “Nếu cứ đi theo mức tăng trưởng hiện tại, đến lúc đó Việt Nam sẽ thiếu khoảng 1 triệu nhân lực IT” – VietnamWorks nhấn mạnh trong bản báo cáo.

Sinh viên Đại học FPT có 4 – 8 tháng thực tập thực tế tại doanh nghiệp để cọ xát với thực tế, tích lũy kinh nghiệm cũng như tìm hiểu về văn hóa công ty.
Chính sách phát triển nguồn lực tại một số công ty

Báo động đỏ về nguồn nhân lực đã buộc tập đoàn công nghệ lớn như Samsung tại Việt Nam phải có những chương trình hỗ trợ và liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cho các trung tâm phần mềm tại Hà Nội và TP HCM. Còn Intel Products Việt Nam, công ty con của tập đoàn Intel tại Việt Nam, cũng đã tham gia tích cực vào việc đào tạo nhân lực khi cùng tham gia sáng lập chương trình liên kết đào tạo kỹ sư cao cấp tại Việt Nam, có tên gọi là HEEAP. Cho đến nay, chương trình này cũng đã thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia khác như Siemens hay Danaher.

Ngay cả FPT cũng phải năng động tìm ra giải pháp mới để cho những người theo học các ngành khác cũng có thể tham dự các khóa học về IT. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đã thành lập ba trung tâm cung cấp nguồn nhân lực ngoài Việt Nam, gồm các trung tâm tại Myanmar, Philippines và Slovakia. Nhưng đó là những giải pháp trước mắt nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại Myanmar và Phillippines, để phát triển bền vững và theo kịp cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, vẫn rất cần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực trong nước.

Cơ hội việc làm

Ông Nguyễn Vinh Trường, Trưởng phòng Phân tích dự báo thị trường lao động thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm số 2, cho biết: “Qua khảo sát và cập nhật cung – cầu từ các kênh tuyển dụng, các doanh nghiệp, người lao động, nhóm ngành nghề CNTT gồm: IT/phần cứng, IT/phần mềm, lập trình viên (C+, Java, PHP), lập trình di động ứng dụng… nổi bật về cung – cầu có khả năng kết nối tốt trong thị trường. Tỷ lệ người đi tìm việc ở nhóm ngành này có bằng cấp từ CĐ trở lên chiếm 93% tổng số người đi tìm việc”.

Không chỉ có nhu cầu lao động ngắn hạn, cơ hội việc làm trong trong ngành nghề IT/lập trình viên, điện – điện tử rộng mở cho các bạn trẻ trong dài hạn bởi nhân lực ngành này đang thiếu hụt rất lớn. Trong khi đó, mỗi năm các trường đào tạo chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT.

Đại diện Tập đoàn FPT cho hay, ước tính trong giai đoạn 2016 – 2020, tập đoàn này cần tuyển khoảng 50.000 nhân sự ở nhiều vị trí, từ sinh viên thực tập, quản lý tới lãnh đạo cấp cao trong các khối ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế… Trong đó, FPT Software, đơn vị thành viên của FPT, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất. FPT Software hiện có khoảng 9.000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại VN và các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đức, Slovakia, Pháp, Anh, Hàn Quốc… Dự kiến trong 3 năm tới, FPT Software cần tuyển mới 10.000 người và 50% trong số đó là sinh viên các ngành CNTT và ngoại ngữ mới ra trường.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), kiêm Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho biết Việt Nam hiện có tên trong nhóm dẫn đầu của 2 mảng là gia công phần mềm và phát triển ứng dụng di động. “Nhu cầu tuyển dụng cũng rất rộng mở cho các bạn trẻ và nhiều vị trí thiếu nhân lực trầm trọng như lập trình di động, điện toán đám mây, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng…”, ông Bình nói.

Theo Tech.fpt