Bạn có biết – Làm thế nào để đạt điểm cao các bài thi tổ hợp?

0
1999

Năm 2017 là năm đầu tiên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm theo tổ hợp các môn. Vì vậy, rất nhiều bạn thí sinh vẫn cảm thấy hoang mang bởi chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ năng làm bài thi kiểu như vậy.

1. Hệ thống hóa kiến thức bằng các ứng dụng sổ tay

Với bài thi tổ hợp khoa học xã hội, các chuyên gia tư vấn nhấn mạnh vì năm nay thi trắc nghiệm nên thí sinh (TS) phải nắm kiến thức ở mức độ rộng hơn và chắc hơn. Bà Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), lưu ý: “Để nhớ được sự kiện, tổng hợp và có sự liên kết giữa các sự kiện với nhau, học sinh (HS) cần làm đề cương tóm tắt hay còn gọi là sơ đồ tư duy. Đi từ nền tảng, từ ý lớn sang ý nhỏ, sau đó tổng hợp, xâu chuỗi theo trình tự. Phần lích sử thế giới ngắn hơn nên tóm tắt thành dạng khung, đưa vào ô những nội dung nổi bật nhất, khái quát nhất. Trong khi lịch sử VN nội dung quá nhiều nên có thể làm hình cây. Mỗi bài gạch ra thành nhiều nhánh, sau đó chia thành chi tiết nhỏ”.

Toàn bộ kiến thức trong sách giáo khoa giờ đây đã được hệ thống hóa và thâu tóm lại bằng ứng dụng sổ tay các môncho các bạn tham khảo thêm.

Ở môn địa lý, ông Trần Văn Quang, giáo viên môn địa lý Trường THPT Nguyễn Khuyến, cho biết có nhiều nội dung HS học chung với Atlat thì sẽ dễ nhớ hơn. “Có 33 bài lý thuyết thì từ nay tới lúc thi, cứ mỗi ngày các em ôn một bài. Đối với Atlat thì HS cần ghi nhớ phần ký hiệu chung trong trang 3. Tuy nhiên không nên phụ thuộc toàn bộ vào Atlat vì nó chỉ cho biết số liệu, địa danh, phân vùng, phân tỉnh… nhưng không cho biết về định nghĩa”, ông Quang khuyên.

Để nhận biết phải vẽ biểu đồ gì, ông Quang cho biết bài có từ khóa “cơ cấu” hay “tỷ trọng dưới 3 năm” sẽ vẽ tròn, bài có từ “tăng trưởng” hay “phát triển”, “biến động” sẽ vẽ “đường”, trên 3 năm thì vẽ nhiều vòng tròn xếp chồng lên nhau thành ống, mở ra thành hình chữ nhật. Trong trường hợp không có các từ khóa trên sẽ vẽ dạng cột.

Để ghi nhớ kiến thức, ông Nguyễn Phạm Phúc, giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THPT Gia Định, cũng cho rằng có 3 phương pháp để ôn thi hiệu quả. Đó là phương pháp lập sơ đồ tư duy, nghĩa là phải biết hệ thống kiến thức lại từ đầu đến cuối. Ngoài ra, có phương pháp tự soạn câu hỏi trắc nghiệm và trả lời để rèn luyện khả năng tư duy, và phương pháp học nhóm nhằm trao đổi, chia sẻ nội dung bài học, sẽ giúp khả năng khắc sâu kiến thức hiệu quả hơn.

Ông Trần Đình Hương, giáo viên môn Hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân, lưu ý: “Trước khi thi, các em cần ôn theo hệ thống và có dàn bài hoặc từng mức độ đề. Tài liệu trên mạng rất nhiều nhưng chỉ tập trung vào các nội dung chính”.

2. Đối với những câu khó không nên mất nhiều thời gian

Bà Phạm Thị Bích Tuyền cho biết: “Nhiều TS cứ làm hết đáp án mới tô vào phiếu làm bài. Điều này rất nguy hiểm vì chỉ cần lệch một câu là sai hết. Do thời gian làm bài rất sát sao nên các em phải tranh thủ từng chút thời gian. Câu nào khó để đó để đi lại lượt 2, không nên dừng lại suy nghĩ lâu quá về một câu”. Bà Tuyền nói thêm, TS cần nắm được từ khóa ở từng câu hỏi để khi chọn đáp án phải đáp ứng được từ khóa đó, bằng cách dùng phương pháp loại trừ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phạm Phúc cũng lưu ý TS đừng quá tập trung vào một câu hỏi nào đó quá khó, nên cho qua và khi có thời gian thì quay lại. “Có những câu cho 4 đáp án gần như giống nhau, TS không nên vội vàng lựa chọn ngay mà phải đọc kỹ hết các đáp án, vì có thể đáp án A là đúng nhưng B đúng hơn và có thể D mới là đúng nhất”, ông Phúc nhận định.

Điểm đặc biệt lưu ý trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là TS làm bài thi tổ hợp bao gồm 3 môn. Do lần đầu tiên TS làm bài thi này nên có nhiều bỡ ngỡ và không tránh khỏi căng thẳng. Trước thực tế này, các giáo viên có những lời khuyên giúp TS bình tĩnh làm bài tốt trong thời gian thi.

Ông Nguyễn Thái Định, giáo viên môn sinh Trường THPT Vĩnh Viễn, lưu ý đối với những TS thi chỉ để xét tốt nghiệp thì cần cố gắng làm đúng 25 câu đầu ở phần kiến thức cơ bản là đạt. “Những câu từ 26 trở đi rất khó, gần như cho hình thức tự luận nhưng lại dùng câu hỏi trắc nghiệm, đòi hỏi vận dụng kiến thức từ thấp đến cao, dành cho TS xét ĐH, CĐ”.

Bà Lê Thị Ngọc Dung, giáo viên môn vật lý Trường THPT Marie Curie, nhấn mạnh: “Môn vật lý có ưu thế là thi đầu, khả năng các em sẽ làm tốt hơn các môn hóa, sinh học. Các em cần đọc đề thi cẩn thận, câu dễ làm trước, không nên để sai sót, như vậy đã đảm bảo 60% đề thi mà chỉ chiếm trong khoảng thời gian 20 phút. Phần nâng cao gồm 16 câu còn lại chia ra 2 phần: 8 câu vận dụng sách, yếu tố cần là chính xác, nhạy bén, mất khoảng 20 phút. 8 câu rất khó, có những dạng rất lạ và mới, thời gian xử lý cho một câu là khá nhiều. HS cũng cần lưu ý qua 2 đề minh họa vừa rồi, Bộ chú trọng câu hỏi thực tế khá nhiều”.

thiquocgia