Bật mí ‘chiến thuật’ làm bài trắc nghiệm tiếng Anh

0
3978

Những chia sẻ thú vị của thiếu tá Trần Thị Thu Nga (Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân) sẽ giúp các thí sinh đạt điểm cao môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Thiếu tá Trần Thị Thu Nga (Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ Cảnh sát môi trường – Học viện Cảnh sát nhân dân) từng giành giải nhất hội thi Olympic tiếng Anh dành cho sinh viên khối trường Công an nhân dân (Bộ Công an tổ chức), giải nhất hội giảng dành cho giảng viên giảng dạy nghiệp vụ bằng tiếng Anh năm 2017 và nhiều giải thưởng khác.

Mới đây, cô giáo trẻ Trần Thị Thu Nga đã có những chia sẻ thú vị xung quanh việc ôn luyện môn tiếng Anh để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Cô Nga cho rằng, sĩ tử cần chuẩn bị tri thức trong một quá trình dài lâu chứ không phải trong chốc lát.

Tự trang bị kiến thức nền

Cô Nga cho rằng, thí sinh nên tìm cho mình cách học hợp lý để đạt được kết quả cao nhất.

Đầu tiên, các sĩ tử phải có đủ tri thức để tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Cụ thể, các em phải trang bị  đủ kiến thức nền.

Để được như vậy, cô Thu Nga đã đưa ra lời khuyên giúp thí sinh đủ tri thức nền để tự tin bước vào kỳ thi trong thời kỳ ‘nước rút’.

Đối với môn tiếng Anh, các em nên tìm hiểu và nắm rõ hình thức thi, cấu trúc đề thi năm nay.

Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi môn tiếng Anh năm 2017 bao gồm có 50 câu, bố cục 5 trang với cấu trúc 100% trắc nghiệm, trong khoảng thời gian quy định là 60 phút.

Cô cho biết, các nội dung gắn với kỹ năng là Ngữ âm gồm 4 câu (dạng thi Phát âm, trọng âm); Ngữ pháp – Từ vựng gồm 16 câu (dạng các câu hỏi ngữ pháp tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống, từ đồng nghĩa, trái nghĩa…); Chức năng giao tiếp gồm 2 câu (Câu hỏi về từ/ngữ thể hiện chức năng); Kỹ năng Đọc gồm 20 câu (chiếm 40% bài thi và tập trung vào phần đọc điền từ vào đoạn văn, đọc hiểu); Kỹ năng Viết gồm 8 câu (phát hiện lỗi sai, kết hợp câu thành câu mới nghĩa không đổi).

Như vậy, các thí sinh cần cân đối thời gian làm bài cho từng câu, nghĩa là nên dành 1,2 phút cho mỗi câu trả lời.

Phương pháp ôn luyện để đạt điểm cao

Cô Thu Nga cho rằng, thí sinh nên phân bổ thời gian hợp lý để ôn kỹ từng nội dung trong môn tiếng Anh.

Đối với nội dung Ngữ âm, thí sinh chú ý không để mất đi phần điểm quý giá ở phần thi này. Ở đây, các em ghi điểm bằng cách ghi nhớ các quy tắc phát âm, đánh trọng âm. Thí sinh cần ghi nhớ một cách logic, khoa học, tự suy ra tính quy tắc cũng như tính điển hình của từ/nhóm từ tiếng Anh.

“Không có phương pháp nào tối ưu hơn là các em phải tập luyện, rèn giũa mỗi ngày thông qua tiếp cận, làm nhiều dạng đề thi môn tiếng Anh”, thiếu tá Nga nói.

Đối với phần ngữ pháp, thí sinh cần ôn và ghi nhớ những phần ngữ pháp quan trọng, bởi đây là phần “cốt” giúp hoàn thiện bài thi để xây dựng và đắp “da”, “thịt” cho bài thi đẹp hơn.

Nền tảng ngữ pháp vững vàng là điều không thể thiếu đối với sĩ tử. Việc nắm vững 13 thì, danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, bị động, đảo ngữ, câu so sánh, sự hòa hợp chủ vị…là điều rất quan trọng.

Các tài liệu về ngữ pháp hiện nay khá phổ biến, ngoài việc nắm vững hệ thống trong sách giáo khoa, sách tham khảo, thí sinh nên làm các mẫu bài ngữ pháp.

Để được điểm cao trong môn tiếng Anh, theo cô Nga các thí sinh cần đủ kỹ năng xử lý được các câu khó. Trước kỳ thi, thí sinh nên làm quen với các dạng đề thi thử, tập làm và tập ghi nhớ, thậm chí tự lấy các ví dụ tương tự để có thể nhớ một cách hiệu quả nhất.

Đối với phần từ vựng, thí sinh cần phải tích lũy vốn từ vựng đủ cần thiết. Khi làm bài thi, thí sinh có thể gặp các dạng đề thi khác nhau như tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa với từ cho sẵn, chọn đáp án liên quan thành ngữ… Vậy nên, thí sinh cần thường xuyên trau dồi vốn từ vựng.

Thiếu tá Trần Thị Thu Nga cho biết, thời gian này thí sinh nên tự trang bị cho mình loạt từ vựng liên quan đến một số chủ đề mang tính điển hình, ghi nhớ nó dạng “thủ sẵn” vốn từ/nhóm từ này trong trí nhớ của mình.

Để đạt được điểm số mong muốn, thí sinh phải đủ vốn ngữ pháp vững chắc, từ vựng đủ lớn. Ngoài ra, thí sinh cần có các ‘mẹo’ làm bài thi hay các chiến thuật như đoán từ, suy luận logic hay phương pháp loại trừ.

Một số ‘chiến thuật’ khi làm bài thi trắc nghiệm

Trước hết, thí sinh cần đọc kỹ các hướng dẫn về làm bài thi. Sau đó, thí sinh đọc hết toàn bộ từng câu hỏi và tất cả các chọn lựa của đáp án trước khi chọn câu trả lời.

Tiếp đến, thí sinh cần trả lời hết tất cả các câu. Với những câu hỏi chưa biết câu trả lời chính xác, thí sinh cũng nên chọn cách đoán.

Đặc biệt, thí sinh nên chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Sau khi làm xong câu dễ, nếu còn thời gian, thí sinh quay lại làm câu khó. Cô Nga khuyên thí sinh cần ghi số thứ tự của câu đã bỏ qua vào giấy nháp để dễ nhận diện.

“Do không bị trừ điểm nếu chọn câu sai, nên trước khi hết giờ thi, thí sinh cần chọn nhanh đáp án hợp lý nhất cho những câu chưa trả lời’, thiếu tá Thu Nga nói.

Thiếu tá Thu Nga khuyên sĩ tử nên có quyết tâm, chăm chỉ trong việc ôn luyện để đạt hiệu kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017. “Các sĩ tử hãy xoá vài dăm ba game tiêu khiển vô bổ mất thì giờ, down vài phần mềm môn học, nghe/đọc lảm nhảm, ngó nghiêng tiếng Anh mỗi ngày, đảm bảo… sẽ ‘ngấm’ và ‘nghiền’ lúc nào không hay. Vậy nên, thí sinh hãy bắt đầu từ những thói quen giản đơn nhất”, cô giáo trẻ Thu Nga bộc bạch.

Cuối cùng, điều quan trọng là thí sinh cần thường xuyên thực hành để trau đồi khả năng sử dụng tiếng Anh của mình.

VTC