‘Bộ GD&ĐT nên xin lỗi thí sinh trượt đại học oan vì những kẻ gian lận’

0
1573

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho rằng Bộ GD&ĐT và cá nhân bộ trưởng nên xin lỗi toàn dân, Quốc hội và nhất là những thí sinh bị trượt oan đại học vì bị “con ông cháu cha” lấy mất cơ hội.
108 thí sinh từ hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La được xác định liên quan gian lận điểm thi đã và đang bị xử lý. Các trường khối công an đã trả 53 sinh viên được nâng điểm về 2 tỉnh này.

Thế nhưng, các trường đều không tuyển bổ sung vì hiện tại đã chuẩn bị diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019. Điều đó đồng nghĩa ít nhất 53 thí sinh đã không thể chạm tay vào cánh cổng đại học trường công an mà những bạn được nâng điểm thi đã lấy mất.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đã phải thốt lên rằng: “Việc biến điểm từ 0 thành 9 là bài toán không một học sinh chuyên nào giải được”. Cũng không ai trả được ước mơ cho 53 thí sinh nào đó đáng ra đã đỗ trường công an bằng thực học nói riêng, và 108 suất của các trường đại học nói chung.

“Xử thật nghiêm là lời xin lỗi thuyết phục nhất”

Sau khi các trường đại học xử lý thí sinh liên quan gian lận điểm thi, nhiều ý kiến cho rằng nên tuyển thay thế số sinh viên bị loại, đó là sự công bằng với những em “chân tài, thực học”.

“Bộ GD&ĐT nên xin lỗi những em rớt đại học ở các trường có thí sinh được nâng điểm. Họ đã bị người khác chiếm chỗ, lấy đi cơ hội trúng tuyển bằng gian lận”, tài khoản Văn Sơn nêu ý kiến.

Tương tự, độc giả Hoàng Nguyên rất băn khoăn về những trường hợp bị rớt oan: Nhìn danh sách phụ huynh của những thí sinh được nâng điểm chỉ càng thêm uất ức. Nó trả lời câu hỏi tại sao những kỳ thi trước đó, có em được 30,5 điểm vẫn rớt đại học. Bộ đặt ra kỳ thi để đánh giá năng lực của học sinh, nhưng với những gì đã xảy ra, rõ ràng nhiều em có năng lực lại không được công nhận.

Tài khoản Viết Thu cũng đặt câu hỏi tại sao Bộ GD&ĐT đã xử lý những thí sinh gian lận nhưng không hề đả động đến sĩ tử bị chính các bạn “con ông cháu cha” cướp đi cơ hội. Theo người này, nếu bộ không thể mời các em ấy vào học thì nên nói một lời xin lỗi.

Buồn và thất vọng cũng là cảm xúc của cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), khi thấy danh sách gian lận thi cử của phụ huynh được cho là những cán bộ ở địa phương và các sĩ tử.

“Báo chí, mạng xã hội cập nhật thông tin về vụ gian lận điểm thi năm 2018. Mồ hôi và cả nước mắt của học trò, cha mẹ, thầy cô đã đổ xuống. Đau lắm! Không thể không nghĩ về những học sinh trượt đại học một cách đau đớn, chỉ vì thiếu 0,25 điểm”, cô Thủy chia sẻ.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng bộ nên có lời giãi bày với những thí sinh đã trượt oan uổng. Theo ông, lời xin lỗi thuyết phục nhất lúc này không gì bằng bộ xử lý thật nghiêm những người dưới quyền đã nhúng tay vào gian lận.

Không còn cơ hội xét tuyển bổ sung

Trước đó, trao đổi với báo chí, thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Đào tạo (Bộ Công an), cho biết mỗi thí sinh khi đăng ký sơ tuyển vào các trường công an, đều được cấp một giấy chứng nhận sơ tuyển duy nhất và chỉ có giá trị tuyển sinh trong năm đó.

Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công an đã được Bộ Công an ban hành theo từng năm. Năm 2018, công tác tuyển sinh đã kết thúc, hiện các trường và công an địa phương triển khai thực hiện công tác tuyển sinh năm 2019. Do đó, Bộ Công an không tuyển bổ sung sau khi trả 53 sinh viên về 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, nói ông rất đồng cảm với những thí sinh đã bị đánh cắp ước mơ một cách trắng trợn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc yêu cầu các trường đại học xét tuyển bổ sung những thí sinh này rất khó.

“Việc trúng tuyển đại học là xét theo điểm chuẩn. Nếu trường không điều chỉnh điểm chuẩn, các em bị rớt oan vẫn không vào đại học được. Đồng ý rằng chúng ta sẽ thấy vô lý khi sĩ tử rớt oan không được tuyển bổ sung. Nhưng hiện tại, thời gian cho việc xét tuyển bằng điểm thi cũng đã hết. Các trường không thể làm theo cảm tính”, ông Sơn nói.

Cán bộ của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM này cũng cho rằng Bộ GD&ĐT và cá nhân bộ trưởng nên có lời xin lỗi trước toàn dân, Quốc hội và nhất là những thí sinh bị trượt oan vì lỗi của người khác.