Sáng nay 25/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh và triển khai công tác tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2021 tại 4 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Điều chỉnh 1 số kỹ thuật
Theo lãnh đạo của Bộ GD&ĐT, về cơ bản, dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021 ổn định như năm trước, chỉ có một số thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 đã được đăng mạng xin ý kiến toàn xã hội. Trong đó có một số điểm mới là:
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH,CĐ giáo dục mầm non bằng 1 trong 2 hình thức: bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).
Đây là thay đổi có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn; đồng thời là điểm nhấn ưu việt của dự thảo Quy chế này. Qua đó, giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong lựa chọn trường học, ngành học. Mặt khác, với sự điều chỉnh này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được các thí sinh phù hợp.
Điểm mới thứ hai là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.
Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực.
Thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kì thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.
Thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, mức thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
Năm 2020 hơn 640.000 thí sinh trúng tuyển vào ĐH,CĐ
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, tuyển sinh năm 2020 đã hoàn thành và đạt hiệu quả. Cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT); trong đó hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào đại học và cao đẳng sư phạm, đạt hơn 70% số thí sinh ĐKDT.
Cũng trong năm 2020, có trên 58.000 thí sinh đăng ký vào sư phạm. Kết quả thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36.000 thí sinh, bằng 61,58% tổng chỉ tiêu (Năm 2019, con số này là trên 27.300).
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho biết, thực tế cho thấy, khi thông tin minh bạch, tự do chọn ngành, tự chủ tuyển sinh thì kết quả tuyển sinh phản ánh rõ nét: sự phân tầng, lợi thế/không lợi thế về ngành và vị trí giữa các ngành.
Đánh giá chung về công tác tuyển sinh 2020 lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác thi THPT và tuyển sinh đã được kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công.
Các chính sách về tuyển sinh đã được Bộ GD&ĐT hoàn thiện và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch; từ đó giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu.
Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác về thông tin tuyển sinh
Năm 2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai Đề án trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu Phụ lục và các quy định tại Quy chế tuyển sinh. Đề án tuyển sinh hoặc đường link đến Đề án phải được công khai tại trang chủ trên trang thông tin điện tử của trường đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh tìm hiểu.
Thời gian công bố công khai Đề án trên trang thông tin điện tử của trường: Đối với hình thức đào tạo chính quy trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.
Để phục vụ công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2021, các trường phải khai báo dữ liệu Đề án vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (theo tài liệu hướng dẫn tại địa chỉ http://thituyensinh.vn) trước ngày 31/3.
Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang Nghiệp vụ với các thông tin trong thông báo tuyển sinh, Đề án như mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ,…. Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, đến công tác tuyển sinh của hệ thống.
Đối với các trường có yêu cầu tiêu chí phụ, sơ tuyển trong tuyển sinh như đưa ra mức điểm quá trình học tập bậc THPT, học lực, hạnh kiểm… phải có giải pháp để kiểm soát được các thông tin này trước khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo, tuyệt đối tránh tình trạng do các quy định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi tổ chức xét tuyển.
Thực hiện kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2021, Bộ GD&ĐT bổ sung môn tiếng Hàn vào danh mục các môn thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông, đăng ký dự thi môn tiếng Hàn để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học năm 2021.
Để tạo điều kiện cho thí sinh được sử dụng kết quả thi, xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học năm 2021, Bộ GD&ĐT thông báo để các trường rà soát, quyết định việc bổ sung mã tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Hàn để xét tuyển vào các ngành nghề đào tạo, đảm bảo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Chủ trì điểm cầu Hà Nội có PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Chủ trì đầu cầu TP.HCM có: PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); PGS.TS Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; GS.TSKH Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP. HCM.
Tại đầu cầu Đà Nẵng chủ trì là các đồng chí: TS Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT); PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng; TS Lê Nguyên Bảo – Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân.
Đầu cầu Cần Thơ có các đồng chí: TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ.