– Nhiều trường ĐH phía Bắc đã công bố các phương thức tuyển sinh dự kiến của năm 2021. Có trường dùng 3 phương thức, có trường dùng 4 phương thức, với nhiều điều kiện phụ khác nhau.
Năm nay nhiều trường ĐH khu vực phía Bắc vẫn tiếp tục duy trì 3-4 phương thức tuyển sinh. Thí sinh muốn vào trường nào cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh, cũng như mức điểm chuẩn qua từng năm của trường đó.
ĐH Thương mại dự kiến tuyển 4.000 sinh viên với 3 phương thức tuyển sinh
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng (3% chỉ tiêu) theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và quy định của trường.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp (15%) các loại chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ khảo thí quốc tế hoặc giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành, quốc gia với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo tổ hợp xét tuyển tương ứng với ngành (chuyên ngành) đăng ký xét tuyển, theo quy định của Trường.
Kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ khảo thí quốc tế hoặc giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành, quốc gia với kết quả học tập bậc THPT, theo quy định của trường.
Phương thức 3: Phương thức xét điểm thi THPT (82%)
ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức
Phương thức 1: Tuyển thẳng (1-2% chỉ tiêu) theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (50-60% chỉ tiêu): Điểm trúng tuyển theo ngành/chương trình; Không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên.
Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp (40-50% chỉ tiêu, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu), với 5 nhóm thí sinh sau:
Thí sinh có Chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên và tốt nghiệp THPT trong nước hoặc nước ngoài bao gồm các chương trình quốc tế trong nước (3% chỉ tiêu).
Thí sinh tham gia vòng thi tuần “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài truyền hình VN và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên (2% chỉ tiêu).
Thí sinh có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 01/06/2021) đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên (20-25%).
Thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc có giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên (5% chỉ tiêu).
Thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường chuyên các tỉnh/thành phố, các trường ĐH và hệ chuyên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đạt điểm trung bình cộng học tập >= 8.0 của 5 học kỳ THPT (lớp 10,11 và học kỳ 1 lớp 12) và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên (15-20% chỉ tiêu).
ĐH Giao thông vận tải xét tuyển theo 4 phương thức
Phương thức 1: Sử dụng kết quả kỳ thi THPT năm 2021 để xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn của tổ hợp đăng ký xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có).
Phương thức 2: Sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ THPT) để xét tuyển: Thí sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 + điểm trung bình lớp 11 + điểm trung bình lớp 12) + điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên, trong đó điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5 điểm.
Phương thức 3: Xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế.
Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp (áp dụng đối với các chương trình tiên tiến, chất lượng cao): Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh (tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và có tổng điểm 2 môn thi THPT năm 2021 thuộc tổ hợp xét tuyển của Trường đạt từ 12,0 điểm trở lên (trong đó có môn Toán và 01 môn khác không phải Ngoại ngữ).
Trên đây mới là phương thức tuyển sinh dự kiến của 3 trường đại học. Những điều kiện phụ, chi tiết hơn sẽ được công bố trong đề án tuyển sinh của các trường sau đó.