Bạn sẽ dễ dàng vượt qua được những kì thi nếu nắm được “nghệ thuật” làm bài sau đây!
Đừng hấp tấp làm bài ngay
Với cả hai hình thức tự luận và trắc nghiệm, học sinh đều nên dành một khoảng thời gian ngắn sau khi nhận đề từ giám thị để rà soát đề thi. Đừng vội vàng “cắm đầu cắm cổ” vào để làm bài ngay tức khắc. Điều này tưởng như giúp bạn tranh thủ thời gian, nhưng thường sẽ xảy ra sai sót nhiều hơn trong quá trình làm bài. Thực tế, khi đề được phát ra chúng ta sẽ có 5-10 phút để kiểm tra một lượt đề thi. Hãy dùng khoảng thời gian này, để xem xét một lượt xem đề thi có vấn đề gì không, cấu trúc đề thi được sắp xếp như thế nào, phần nào dễ, phần nào khó… Bao quát được những điều này, việc làm bài tiếp theo của bạn sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Hãy tính toán thời gian hợp lý
Với cả hai hình thức tự luận và trắc nghiệm, học sinh đều nên dành một khoảng thời gian ngắn sau khi nhận đề từ giám thị để rà soát đề thi
Chúng ta chỉ có một khoảng thời gian nhất định để làm bài thi, vậy nên bạn không nên để mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi nào đó vì thời gian trung bình mỗi câu nên được sắp xếp hợp lý với số điểm của câu đó. Ví dụ với câu hỏi ít điểm nhất đề thi, bạn nên phân bổ thời gian hợp lý, không nên để xảy ra trường hợp dành quá nhiều thời gian, còn những câu khác lại làm sơ sài. Và dĩ nhiên bạn cũng không cần làm theo thứ tự câu hỏi, với những câu dễ bạn hãy làm trước, khoảng thời gian còn lại sẽ “chiến đấu” với những câu hỏi khó nhằn sau.
Nếu không biết đáp án đúng, hãy loại trừ đáp án sai
Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh cần tư duy, xâu chuỗi và kết nối các vấn đề, suy luận để lựa chọn đáp án là có thể hoàn thiện bài thi. Trong trường hợp chưa biết đáp án đúng, các bạn nên loại trừ đáp án sai để tìm ra đáp án đúng – đây là tip làm bài bạn nên áp dụng. Đặc biệt, với thi trắc nghiệm sẽ có những đáp án gây nhiễu, đáp án khá giống nhau… vậy nên chúng ta phải đọc kỹ sách giáo khoa để hiểu rõ, kết nối các sự kiện với nhau để phân tích câu trả lời và chọn ra đáp án đúng.
Đừng lo lắng chỉ vì thấy thí sinh bên cạnh làm xong bài nhanh chóng
Đây là tâm lý chung của rất nhiều bạn. Chưa cần biết mình làm tốt hay không, đề dễ hay khó, cứ thấy các thí sinh khác cặm cụi làm bài thi “ầm ầm” hoặc nộp bài thi sớm là bị tâm lý hồi hộp, căng thẳng. Do đó, khi làm bài thi, thí sinh chỉ nên tập trung vào làm bài, đừng quá để ý đến những vấn đề khác. Điều này chỉ khiến bạn cảm thấy áp lực thêm mà thôi. Hãy suy nghĩ một cách tích cực và tin tưởng vào những kiến thức đã học. Chỉ khi tâm lý thoải mái, bạn mới bình tĩnh hoàn thành tốt bài thi của mình.
Thay vì rời phòng thi khi chưa hết giờ, hãy kiểm tra lại bài thi
Đây là một trong những sai lầm của các thí sinh. Nhiều bạn chủ quan, sau khi làm bài xong mặc dù chưa hết thời gian nhưng đã nộp bài và ra trước, đến lúc chợt nghĩ ra chỗ sai sót hoặc muốn bổ sung thêm gì đó thì không có cơ hội sửa bài nữa. Thế nên, trước khi nộp bài thi hãy chắc chắn rằng bạn đã kiểm tra cẩn thận bài làm của mình. Cả quá trình học đừng vì vài phút về sớm mà ảnh hưởng đến kết quả thi cử bạn nhé!
kenh14