Sau kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều ý kiến đánh giá đề Văn dễ, học sinh dễ ghi điểm nhưng ghi nhận ban đầu tình hình chấm thi tại TPHCM thì điểm Văn không cao, ở mức làng nhàng, không ghi nhận được nhiều điểm thi nổi bật.
Trên trung bình nhiều nhưng điểm không cao
Nhiều giám khảo chấm thi ở TPHCM tiết lộ, trái với đánh giá của nhiều người đề Văn dễ thì thực tế trong quá trình chấm điểm, không có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Điểm trên 8 chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, phổ điểm rơi nằm ở khung 5 – 6 điểm.
Theo thống kê ở TPHCM cho thấy mức phổ điểm môn Văn từ 5 điểm trở lên chiếm tỉ lệ gần 85%. Số lượng bài trên 8 điểm chỉ chiếm 1,8%, toàn thành phố chỉ có 9 thí sinh bị điểm liệt môn Văn (dưới 1 điểm). Như vậy, có thể thấy điểm Văn tại địa phương có số lượng bài thi lớn thứ 2 trong cả nước nằm ở mức “làng nhàng”. Không quá nhiều điểm thấp nhưng cũng không nhiều điểm số đột phá.
Cô Nguyễn Thu Anh (nhân vật yêu cầu đổi tên), là GV tham gia chấm Văn cho biết, cô chấm không nhiều nên chưa thể đánh giá một cách toàn diện. Nhưng trong khuôn khổ bài thi mình chấm, cô thấy điểm từ 8 không nhiều, điểm chấm đa số trong thang điểm 5 – 6,25.
Cô Anh cũng ghi nhận ít điểm liệt và cô đánh giá, năm nay sẽ ít điểm liệt, thầy cô vẫn nói vui “đề thi chống liệt”. Đề quá dễ ở câu 1, 2 phần Đọc – hiểu, học sinh dễ có điểm từ 2 trở lên cho phần này.
Phần nghị luận văn học ra về tác phẩm thơ, có kèm theo văn bản nên cũng dễ hơn cho thí sinh. Kể cả những em không học bài này, các em vẫn có thể dựa vào đó để làm bài.
Trước đây cũng đã xảy ra thực tế sau khi thi nhiều người đánh giá đề Văn dễ nhưng kết quả điểm thi lại thấp. Cô Thu Anh phân tích mọi năm đề dễ nhưng điểm thấp vì các năm trước, phần Đọc – hiểu dài, thang điểm dàn trải, số điểm từng câu thấp. Năm 2016, đề nghị luận văn học là văn xuôi và không in văn bản trích dẫn cũng là một khó khăn cho thí sinh. Em nào không thuộc là bỏ luôn.
Năm nay, ít câu hỏi, thang điểm từng câu cao, rất có lợi cho thí sinh nhưng lại hơi dễ dãi vì kỳ thi này còn xét điểm vào ĐH.
“Năm nay thời gian làm bài chỉ 120 phút nên Bộ phải rút ngắn đề thi lại. Nhưng rõ ràng, ngay cả câu 3, 4 của phần Đọc – hiểu có vẻ là “điểm mới” và khác so với hai năm trước nhưng theo tôi, với câu hỏi như vậy thì chưa mới”, cô cho hay.
Học sinh giỏi Văn “trốn” đi đâu?
Đề không khó nhưng ghi nhận lại không nhiều điểm thi cao. Một câu hỏi được đặt ra, học sinh giỏi Văn hay những bài văn cá tính “trốn” đi đâu?
Cô N.T.N., GV Văn ở Q.10 (TPHCM) cho rằng có hai lý do, khách quan lẫn chủ quan. Năm nay các em học sinh phải thi 3 môn bắt buộc và 1 bài thi tổ hợp nên thời gian ôn tập chắc chắn bị phân tán. Rồi theo lịch mới của Bộ, các em thi sớm hơn nên thời gian ôn tập cũng ngắn đi.
Về góc độ bài làm, câu nghị luận xã hội, thí sinh đa số xác định chưa chính xác yêu cầu về nội dung của đề (ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống) mà nhầm sang bàn bạc về “sự thấu cảm”. Thành ra, ít em đạt điểm khá giỏi (1,5 – 2 điểm) cho câu này.
Câu nghị luận văn học không khó, không mới, có văn bản nhưng theo giáo viên này, thí sinh ngoài việc hiểu nội dung, cần có kỹ năng phân tích linh hoạt, tổng hợp và liên hệ mở rộng kiến thức của toàn bộ tác phẩm và kiến thức bên ngoài thì bài Văn mới hay.
Cô đánh giá chung đề khó bị điểm liệt, điểm trung bình thì đơn giản nhưng thí sinh chủ quan và không có kiến thức thì khó có điểm giỏi.
ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM bày tỏ, đề thi môn Ngữ văn được đánh giá là dễ, đọc đề ai cũng nói dễ. Vấn đề là dễ (đáp ứng xét tốt nghiệp), nhưng đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao, nghĩa là với đối tượng học sinh xét tuyển vào CĐ, ĐH hay chưa?
Cô Hiền đánh giá, đề thi phân hóa chưa cao, chưa thấy những câu hỏi khó để phân loại cũng là “rào cản” đối với học sinh giỏi, cá tính. Ngoài ra, cô cũng nhấn mạnh đến đáp án và quan tâm đến khả năng phân tích đáp án của người chấm sẽ tác động đến kết quả bài thi.
Đề thi rất “kiệm” ở điểm sáng tạo. Cụ thể, trong đáp án, phần làm văn nghị luận xã hội, điểm sáng tạo là 0,25, còn phần nghị luận văn học, điểm sáng tạo là 0,5. Tổng cộng điểm sáng tạo chưa đến 1 điểm, phải chăng cũng là khoảng quá hẹp để phân loại học sinh?
Đáp án vẫn còn nhặt ý lấy điểm, chưa phát huy năng lực sáng tạo của học sinh. Học sinh giỏi có thể các em không tuân thủ theo cấu trúc thông thường mở bài – thân bài – kết luận mà đưa ra nhiều cách khác. Vậy chỗ nào cho học sinh giỏi ghi điểm?
Có thể thấy, đây chưa phải là “sân chơi” để học sinh giỏi thể hiện mình, có thể “bóp nghẹt” những bài văn phá cách. Cô Thu Hiền nhắc lại băn khoăn từ rất lâu của mình là chúng ta đang phát huy đề mở nhưng liệu đáp án có mở, tư duy người chấm đã mở?
“Theo tôi, không nên bắt buộc học chỉ tuân theo một cách cứng nhắc cấu trúc bài văn như đáp án gợi ý, giám khảo có thể linh hoạt trong khi chấm , tạo cơ hội cho những học sinh có cách trình bày độc đáo”, cô Thu Hiền nêu ý kiến.
Dân trí