Chiến lược ôn thi hiệu quả môn tiếng Anh trước kì thi THPT Quốc gia 2017

0
3240

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là các sĩ tử chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017. Năm nay, với những đổi mới của kỳ thi, nhiều sĩ tử vẫn rất băn khoăn, lo lắng,nhất là môn tiếng Anh.

Liên quan đến vấn đề này, cô Nguyễn Thanh Hương (giáo viên trung tâm Học Mãi) sẽ chia sẻ cùng sĩ tử chiến lược ôn thi hiệu quả trong giai đoạn “nước rút” nay.

Là một giáo viên nhiều kinh nghiệm trong việc ôn thi THPT quốc gia môn tiếng Anh, xin cô cho biết, để được điểm cao các sĩ tử cần chuẩn bị những gì?

Cô Nguyễn Thanh Hương: Theo tôi, đầu tiên, các em cần đặt ra số điểm cần đạt được rõ ràng và hợp lý để có động lực học tập và phấn đấu.

Xác định rõ số điểm mình cần đạt được dựa trên mong muốn cùng với năng lực của bản thân là bước đầu tiên các em cần quyết định. Nếu môn Anh là môn chủ lực cho việc xét điểm vào trường hãy đặt mục tiêu 8,9 điểm.

Nếu đây chỉ là một môn trong số các môn phải thi và không nằm trong các môn xét điểm, thì mục tiêu có thể là 5-6 điểm. Nên có một con số điểm rõ ràng, tránh đại khái, việc không rõ ràng rất dễ làm nảy sinh tư tưởng “được thì được mà không được thì thôi”.

Ngược lại, sau khi cân nhắc và quyết định được con số nhất định, em có một mục tiêu cụ thể để phấn đấu và cố gắng. Từ đó phải nỗ lực hết sức, bền bỉ quyết tâm nỗ lực để đạt được. Chú ý là mục tiêu điểm số phải khả quan, có thể hơi cao hơn mức cần một chút để em luôn tập trung và cố gắng nhưng không thể quá viển vông xa rời năng lực thực tế.

Sau khi đặt ra mục tiêu cho mình, các sĩ tử nên làm gì thưa cô?

Các em nên đánh giá năng lực của bản thân ở thời điểm hiện tại và làm quen với format- cấu trúc đề thi thật.

Em có thể sử dụng ngay 2 đề thi Minh họa (10/2016) và Thử nghiệm (1/2017) của Bộ GD&ĐT để làm nghiêm túc và từ đó xác minh được số điểm và năng lực hiện tại, đồng thời quen với cấu trúc thi thật (thi trắc nghiệm 50 câu, thời gian 60’, gồm các dạng bài như trong 2 đề mẫu).

Khi làm 2 đề này và có thể làm 1 số đề của các trường, các giáo viên uy tín làm căn cứ xác định năng lực hiện tại. Đối chiếu với số điểm cần đạt được để có kế hoạch cụ thể cho 2 tháng tới, cần tăng bao nhiêu điểm, cần trau dồi làm dạng bài nào nhiều hơn, dạng bài nào thế mạnh, dạng nào cần đọc kĩ, chú ý gì không?

Vì thời gian không còn nhiều nên thời điểm này cần cực kì tập trung, tránh xao nhãng.

Môn Anh Văn yêu cầu học liên tục, vì vậy hãy dành cho nó một khoảng thời gian trong quỹ học tập của em hàng ngày. Có thể là 20-30’ cho các bạn muốn thi khối khác, hoặc 2-3h tự học cho các em chọn thi các khối thi có môn Anh.

Học tiếng Anh nhớ một điều là phải học cẩn thận, chắc chắn. Chú ý đến việc bồi dưỡng từ vựng hàng ngày, bắt đầu từ những từ, cụm từ cần thiết trong SGK, sau đó là trong các bài luyện tập, các đề, sách tham khảo…

Học từ vựng nếu không ôn lại hàng ngày và dùng nhiều chắc chắn sẽ quên nên không được lười học từ. Thời gian này, chọn học lại các phần kiến thức khó, hoặc phần kiến thức bản thân còn chưa nắm vững, các phần khác chỉ mang tính chất ôn tập. Làm nhiều bài tập để cho quen kiến thức và cách xử lý.

Một tuần nên làm 2-3 đề như thi thật để quen cấu trúc, kĩ năng và tâm lý đi thi. Làm xong một đề, em dành thời gian kiểm tra đáp án, xem lại câu sai, xem lại kiến thức còn yếu, cũng đầu tư để học thêm các từ vựng, cụm từ, cấu trúc mới,.. dành thời gian viết ra các câu sai, tự mình viết ra những kinh nghiệm mình đã học được gì qua đề này. Khuyến khích các bạn mỗi đề nên làm đi làm lại từ 3-5 lần, tất nhiên lần làm tiếp theo phải rút ngắn thời gian dần.

Nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng và bị áp lực trong giai đoạn này, theo cô thí sinh nên làm gì để giữ bình tĩnh?

Thời điểm này là quãng đường về đích nên nhất thiết phải dốc toàn bộ sức lực để học. Theo cô, khoảng thời gian này học sẽ rất vào, vì các em có áp lực, nếu còn lơ là chắc chắn sẽ phải hối tiếc. Nếu học tập trung chắc chắn sẽ thu lượm được nhiều và “ngộ” ra được nhiều kiến thức hay.

Các kiến thức học nên bám sát cấu trúc đề thi tránh lan man, điểm số đặt ra cho mình biết được mình có thể sai sót trong vòng bao nhiêu câu, phần bài nào nhất thiết phải làm tốt, cần chú ý những phần, dạng bài nào hay bị mất điểm.

Các em cũng cần ăn ngủ, học tập và rèn luyện sức khỏe hợp lý, có khỏe có tỉnh táo thì chất lượng học tập mới tốt và đảm bảo. Hãy biến nỗi lo trước kì thi lớn làm động lực để học tập trung hết mình và động lực để phấn đấu.

Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!