Ngoài việc phải thích ứng với học trực tuyến, học sinh lớp 12 năm nay tiếp tục nỗi lo thường trực như năm 2020 là làm thế nào để trúng tuyển đại học (ĐH) trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Cánh cửa đại học vẫn luôn rộng mở với thí sinh. Ảnh: Như Ý
Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Newton, Hà Nội, cho hay do dịch COVID-19 nên kế hoạch đi du học của em không thực hiện được. Trong khi bố mẹ muốn Lan Anh theo học Học viện Ngoại giao, em lại thích học kinh tế. Nhưng khó khăn nhất của Lan Anh hiện nay là nếu dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào những trường ĐH có hai khối ngành trên thì năng lực của em khó có thể đạt. Thế mạnh của em là năng lực ngoại ngữ. Những trường ĐH mà Lan Anh và gia đình muốn đều có nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó, có ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ. Đợt thi tháng 1 vừa qua, Lan Anh đạt được kết quả khả quan – IELTS 7.5.
Ba năm trở lại đây, các trường ĐH có nhiều phương thức tuyển sinh, không phụ thuộc quá nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp THPT như trước. Vì vậy, với nhiều thí sinh, dịch COVID-19 bùng phát, phải học trực tuyến, kiến thức không được như mong muốn nhưng không lo lỡ cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH danh tiếng. Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định, dự định đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngành Khoa học dữ liệu. Ngoài việc tập trung học, ôn luyện kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Trang cho biết em sẽ đăng ký tham gia kỳ thi bài kiểm tra tư duy do trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức để tăng cơ hội trúng tuyển.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hà Nội, cho hay, trường đã triển khai học trực tuyến từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nếu như năm trước, giáo viên thường để cho học sinh tự giác khi học trực tuyến thì nay, đã tạo áp lực hơn khi cuối mỗi tiết học, học sinh phải chụp bài gửi cho giáo viên. Đối với học sinh lớp 12, do nắm được tình hình các trường ĐH giảm dần chỉ tiêu xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT nên các em đều có hướng chủ động phấn đấu.
Với những học sinh dự kiến xét tuyển bằng học bạ, các em cố gắng học đều các môn; những học sinh xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả thi hay kết quả học bạ thì ngoài việc học đều các môn để thi, xét tuyển, các em còn ôn luyện để thi lấy chứng chỉ. Theo bà Yến, năm học 2019-2020, có khoảng 9% học sinh lớp 12 của trường có chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển ĐH.
Bà Yến bày tỏ hy vọng, năm học này, tỷ lệ cao hơn. Ngoài ra, số lượng học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi cấp thành phố của trường năm nay cũng tăng do có nhiều trường ĐH công nhận kết quả này trong xét tuyển. Bên cạnh việc học sinh tự chủ động để thích ứng với tình hình xét tuyển ĐH mới, nhà trường cũng đưa ra các giải pháp để hỗ trợ các em. Dù học trực tuyến nhưng với những học sinh năng lực học tập chưa tốt, các giáo viên tổ chức chia thành các nhóm nhỏ dạy chéo buổi để củng cố, bổ sung kiến thức.
Ða dạng hình thức tuyển sinh
Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội bổ sung một phương thức tuyển sinh. Đó là lấy kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do chính ĐH này tổ chức. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng lấy kết quả bài kiểm tra tư duy thành một phương thức xét tuyển độc lập. Trường ĐH Bách khoa TPHCM có thêm phương thức tuyển sinh thứ sáu là phỏng vấn nhằm gia tăng cơ hội cho thí sinh và mở rộng các phương thức xét tuyển. Lựa chọn hình thức phỏng vấn để được trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của thí sinh. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM áp dụng hình thức phỏng vấn trong tuyển sinh chương trình thạc sĩ giáo dục học.
Trước đó, năm 2020, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên sử dụng hình thức xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn với tuyển sinh ĐH hệ chính quy. Phương án tuyển sinh năm 2021 của Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng xuất hiện hình thức phỏng vấn để xét tuyển.