Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã kết thúc. Lúc này, tâm trạng mỗi thí sinh mỗi khác. Người vui vì làm bài tốt. Người thất vọng vì dự đoán kết quả không cao. Vậy nếu làm bài chưa tốt thì phải làm sao bây giờ?
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thì “làm bài không tốt, không có nghĩa là 0 điểm, mà chỉ là ít điểm hơn so với kỳ vọng của mình. Thế nên khi có kết quả thi, thí sinh còn có cơ hội chỉnh lại danh sách nguyện vọng cho hợp với số điểm mình có. Cần chọn vừa tầm, đừng bắt bản thân nhảy cao quá sức rồi hỏng tất cả. Thà làm vua nước nhỏ, còn hơn vật vã quỵ lụy xin làm lính nước to”.
Nhưng có thí sinh lo lắng lỡ số điểm đạt được không đậu vào bất kỳ trường nào mà trượt hết 20 nguyện vọng thì sao? Tiến sĩ Hiếu hướng dẫn: “Còn rất nhiều trường nhận xét học bạ mà không phải thi. Đại học có xét tuyển theo học bạ, cao đẳng cũng tuyển, trung cấp chuyên nghiệp tuyển, sơ cấp nghề tuyển, trung tâm dạy nghề cũng tuyển. Đời còn nhiều đường lắm, nên đã cố gắng hết sức của mình trong kỳ thi vừa rồi thì sắp tới hãy chọn con đường mà mình vừa sức nhất”.
Vị chuyên gia tâm lý này cũng chia sẻ thật tình, rằng nếu cảm thấy con đường học hành không phù hợp với bản thân, thì còn một ngôi trường mở khác công bằng cho tất cả người chơi, đó là… trường đời. Ra đời, hãy lăn xả gấp đôi, gấp ba, gấp bảy mấy bạn ngồi trên giảng đường đại học, để khi ra đời, thuê mấy bạn đó về làm cho mình. Đó mới là việc nên làm thay vì u sầu vật vã. Thành công đến muộn nhưng sẽ ngọt ngào gấp đôi.
Tiến sĩ Hiếu khuyên thêm, nếu rớt đại học thì chắc không ai vui. Nhưng hằng năm, lượng thí sinh trượt còn nhiều hơn cả đậu, cứ nhìn tỉ lệ chọi thì biết. Đừng vì sĩ diện mà tự giam mình, chúng ta không sinh ra trên mặt đất này để sống vì sĩ diện. Cũng đừng giam mình vì sợ bạn bè khinh thường, hàng xóm dè bĩu. Ta không sống vì hàng xóm, còn những bạn thay vì động viên lại đi khinh thường người khác thì cũng chẳng đáng để chơi. Thi rớt, cha mẹ có thể sẽ vô cùng thất vọng. Nhưng sự buồn bã của cha mẹ chỉ tạm thời. Cha mẹ đã nuôi ta 18 năm trời, mớm ta ăn từng muỗng cơm, tập cho ta đi từng bước một. Chẳng vì chuyện này mà họ lại vứt bỏ con mình.
Và thi rớt, thì không phải là mất hết cơ hội. Nếu không thay đổi được quá khứ, hãy bắt đầu hành động để thay đổi tương lai.
“Người ta sẽ càng khinh thường hơn nếu ta chỉ biết nằm khóc mà chẳng biết đứng dậy làm cái chi có ích. Hãy vượt qua cái Tôi của chính mình, vượt qua niềm Kiêu Hãnh của bản thân để đứng dậy tìm một con đường để đi. Cuộc đời này đâu phải chỉ có một con đường đại học! Ta còn không yêu chính bản thân mình thì ai sẽ yêu mình? Ta còn không có niềm hy vọng vào mình thì ai dám hy vọng vào ta? Hãy chứng minh cho mọi người thấy rằng: Trượt đại học nhưng tôi sẽ vẫn có thể nuôi sống bản thân và báo hiếu cha mẹ bằng cách của mình! Tôi sẽ không bỏ cả con đường chỉ vì một lần vấp ngã”, tiến sĩ Hiếu nói.
5 việc cần làm trong lúc chờ kết quả
1. So đáp án để ước lượng mức điểm mình sẽ có
2. Dự tính với “số vốn” đó, có thể mua “cái vé” vô ngành và trường nào được
3. Dự tính chỉnh lại danh sách nguyện vọng thế nào để sau 15.7 tỉ lệ chắc ăn được 90%.
* Lưu ý: Nên chọn ngành nào có điểm chuẩn thấp hơn điểm mình có một chút mới an toàn.
4. Lên phương án dự phòng ngộ nhỡ năm nay điểm chuẩn tăng đột biến, rớt hết 20 nguyện vọng thì:
Phương án 1: Xét tuyển bằng học bạ vô đâu?
Ít nhất có 92 trường đại học nhận tuyển bằng đường học bạ, mỗi trường tuyển từ 10% – 90% tổng chỉ tiêu trường họ lận.
Phương án 2: Vô trường cao đẳng nghề nào? Khối này thì đầu vào rộng mở khỏi nói rồi.
Phương án 3: Đi học nghề ở trường Trung cấp nào / Sơ cấp nào/ hay Hãng xưởng – Cửa hàng nào / hay Khu công nghiệp nào?
5. Sau khi làm xong 4 việc kia, phương án đường đi có hết rồi thì yên tâm mà… vui lên, đừng để cảm giác buồn chi phối bản thân.
Thanh Niên