Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, số lượng lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trung Quốc có khoảng 11.299 người. Phần lớn các lưu học sinh này đã về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT đã thông tin như vậy với phóng viên Dân trí vào chiều ngày 4/2.
Nhiều lưu học sinh xét nghiệm virus corona có kết quả âm tính
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, Cục Hợp tác quốc tế đã phối hợp với đại diện giáo dục của Bộ GD-ĐT ở Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc liên tục cập nhật thông tin về tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc nói chung, tại thành phố Vũ Hán nói riêng khi dịch viêm phổi virus corona diễn ra.
Ông Thanh thông tin, theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, số lượng lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trung Quốc có khoảng 11.299 người. Phần lớn các lưu học sinh này đã về Việt Nam ăn Tết Nguyên đán.
Đối với lưu học sinh Việt Nam ở Vũ Hán, theo số liệu thống kê ban đầu (chưa đầy đủ) có khoảng 310 người, trong đó có 281 sinh viên đã về Việt Nam ăn Tết, vẫn còn một số sinh viên chưa liên hệ được.
Hiện nay, chỉ có 25 người đang ở tại Vũ Hán, trong đó 21 lưu học sinh và 4 người nhà. Một số lưu học sinh cũng đã lên kế hoạch, có nguyện vọng về Việt Nam.
“Với những lưu học sinh ở Trung Quốc nói chung và ở Vũ Hán nói riêng đã về Việt Nam ăn tết, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT đã liên hệ với hơn 20 Hội Lưu học sinh Việt Nam ở các tỉnh, thành của Trung Quốc để thông qua hội chuyển tới cho các sinh viên, các văn bản, thông tin của Bộ GD&ĐT liên quan đến phòng, tránh dịch virus corona” – ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thanh, đến thời điểm này (tối 4/2), chưa có lưu học sinh Việt Nam nào từ Trung Quốc về Việt Nam bị nhiễm virus corona. Có một số trường hợp đi xét nghiệm thì đều có kết quả âm tính. Còn 2 trường hợp đang chờ kết quả. Chúng tôi sẽ cập nhật tiếp thông tin trong thời gian tới.
Đa phần các trường đại học Trung Quốc lùi lịch học chờ thông báo mới
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết thêm, thông tin mới nhất (được cập nhật ngày 4/2), tổng lưu học sinh mà Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã liên lạc và thống kê ở khoảng 20 tỉnh, thành của Trung Quốc là 311 người (trong đó 10 người nhà của lưu học sinh). Nhiều sinh viên cũng có nguyện vọng về Việt Nam.
Còn về phía các trường Trung Quốc, ông Thanh cho hay, các trường đều hạn chế việc đi lại, kiểm soát chặt chẽ người ra vào trường, đo thân nhiệt… Về lịch học, đa phần các trường lùi lịch học chờ thông báo mới. Một số địa phương, trường đại học chưa đưa ra thời gian cụ thể.
Với các lưu học sinh Việt Nam tại Vũ Hán, ông Thanh cho biết, Bộ GD&ĐT cùng với đại diện Bộ GD-ĐT tại ĐSQ Việt Nam ở Trung Quốc liên tục trao đổi, cập nhật tình hình, cung cấp thông tin, đồng thời động viên để các sinh viên bình tĩnh, yên tâm với tình hình hiện tại, chờ có những hướng dẫn cụ thể hơn tiếp theo vì phía Trung Quốc đang làm rất quyết liệt để chống dịch.
“Để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh, trong quá trình diễn ra dịch, vì lý do bất khả kháng, lưu học sinh Việt Nam không thể nhập học đúng hạn, nếu cần Bộ GD-ĐT sẽ can thiệp với các trường của Trung Quốc, để các trường tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam được tiếp tục nghỉ, hoặc học bù” – ông Thanh nói.
Bộ GD&ĐT công bố được dây nóng để lưu học sinh liên hệ
Trước đó, ngày 29/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã gửi thông báo tới các công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).
Bộ GDĐT thông báo tới toàn thể công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài không hoang mang, cần bình tĩnh, chủ động trong việc phòng tránh dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Lưu học sinh cập nhật và thực hiện theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam và chính quyền nước sở tại về các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) theo khuyến cáo.
Cụ thể, không đi đến những vùng có dịch bệnh; hạn chế di chuyển tới chỗ đông người, tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; hạn chế tiếp xúc gần các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. Nếu có dấu hiệu bị sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Tuân thủ quy định về xuất, nhập cảnh và quy định của các cơ sở giáo dục đang theo học tại nước sở tại để đảm bảo kế hoạch, chương trình học tập và phòng tránh dịch bệnh.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ trao đổi với Bộ Giáo dục các nước để đảm bảo việc học tập nếu lưu học sinh phải tạm dừng học trong thời gian dịch bệnh hoặc có sự di chuyển theo sắp xếp của phía nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Việt Nam.
Thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, người thân, cơ quan công tác tại Việt Nam (nếu có).
Khi gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ giúp đỡ có thể liên hệ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại hoặc gọi ngay cho đường dây nóng bảo hộ công dân ở nước ngoài (+84) 981.84.84.84 để được trợ giúp, tư vấn.
Về phía Bộ GDĐT Việt Nam, lưu học sinh có thể liên hệ với Cục Hợp tác quốc tế – Bộ GDĐT, địa chỉ tại 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: (+84) 243.869.5144 hoặc (+84) 365.12.74.07, email: [email protected] để được trợ giúp.
Theo Báo Dân Trí