Có nên đem nội dung học online vào đề thi?

0
1117

Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) đang nghiên cứu để tinh giản nội dung chương trình học lớp 12, nhưng không có chuyện cắt giảm một cách cơ học.

Thuận lợi cho học sinh

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, đến thời điểm này, đa số địa phương đều cho học sinh nghỉ học kéo dài gần 2 tháng.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tuyên bố, sẽ có một số điều chỉnh “phù hợp tình hình mới” cho kỳ thi năm nay. Theo đó sẽ sớm công bố đề minh hoạ các môn thi đồng thời giảm tải chương trình nhằm phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường hiện nay.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng, giảm tải chương trình và công bố đề minh họa là hai nội dung phù hợp, đúng đắn, thuận lợi cho học sinh ở thời điểm này. “Bởi trước đó, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có các đề xuất như giảm bớt môn thi, bỏ 2 bài thi tổ hợp, thậm chí bỏ cả kỳ thi… Tôi cho rằng, đề xuất như vậy gây hoang mang, lo lắng cho học sinh cuối cấp. Việc bỏ bớt môn thi, bỏ thi không hợp lý, tạo sự không công bằng, khách quan giữa các môn thi, tạo tiền lệ xấu”, thầy Tùng nói.

Thầy Tùng đề xuất, Bộ GD&ĐT nên bỏ phần kiến thức lớp 11 vì vài năm trở lại đây, kiến thức lớp 11 chỉ chiếm khoảng 10% đề thi, nhưng học sinh vẫn phải ôn tập rất nhiều. Ngoài ra, phương pháp học trực tuyến như hiện nay mới chỉ là giải pháp tình thế, khi đi học trở lại, thầy trò sẽ rất vất vả để chạy đua với học và ôn tập. Do đó, đề thi nên tập trung nhiều vào nội dung, kiến thức vào học kỳ I, học kỳ II chỉ nên chiếm 20-30%. Chưa kể, các địa phương sẽ căn cứ thực tế dịch bệnh cho học sinh nghỉ học, nếu nghỉ học quá lâu sẽ không đủ thời gian để học hết chương trình.

Ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (Hà Nội), đánh giá, điều chỉnh của Bộ GD&ĐT là kịp thời, hợp lý, giúp học sinh bình tĩnh, tự tin hơn. Trước đó, dù học sinh có được giao bài tập, học trực tuyến nhưng nghỉ học kéo dài, các em không tránh khỏi tâm lý lo lắng. Ông Dũng cho biết, nhà trường sẽ chờ đợi giảm tải cụ thể của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn của sở để giáo viên thiết kế chương trình dạy học.

Hiện nay, Hà Nội yêu cầu 100% học sinh học qua truyền hình, giáo viên chủ nhiệm thông báo lịch học tới phụ huynh, học sinh toàn trường. Thầy cô bộ môn sẽ giải đáp thắc mắc nếu học sinh chưa hiểu bài. Tuy nhiên, việc học theo phương pháp này chưa thể kiểm tra, đánh giá hiệu quả ngay mà phải chờ đi học trở lại. Đã có hơn 90% học sinh tham gia học theo phương thức này và có chế độ báo cáo hằng ngày cho giáo viên.

Có nên đem nội dung học online vào đề thi? - Ảnh 1.

Nên học gì thi nấy

Nhiều giáo viên cho rằng, những năm trước, trong quá trình ôn tập, giáo viên thường dạy hết chương trình SGK, ôn tập các dạng bài, đào sâu kiến thức để các em có thể vận dụng làm được cả bài cơ bản và nâng cao.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie, người trước đó đề xuất Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bỏ 2 bài thi KHTN và KHXH, giảm tải chương trình học cho rằng, hiện tại, điều chỉnh của Bộ mới chỉ tính đến thời điểm học sinh nghỉ học đến hết tháng 3. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ học hết tháng 4, tháng 5, Bộ phải có phương án khác. Tuy nhiên, ông Khang cho rằng, phải có thời gian học thực tế ở nhà trường mới đem nội dung học vào đề thi. Không thể học online 3-4 tháng nhưng vẫn đem kiến thức, nội dung đó vào đề vì học trực tuyến không đảm bảo tính đồng bộ về phương tiện, năng lực tổ chức, điều kiện từng gia đình. “Vì thế, trong điều kiện bắt buộc cũng nên tính đến phương án học gì thi nấy, cắt giảm nội dung cụ thể, còn nói giảm độ khó đề thi sẽ rất mơ hồ, các em vẫn phải học hết SGK”, ông Khang nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ đang rà soát, nghiên cứu để tinh giản chương trình theo hướng giảm nhẹ nhưng vẫn đảm bảo thực hiện chương trình. Do đó, sẽ không có chuyện cắt giảm nội dung, chương trình một cách cơ học. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tinh giản nội dung nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu, chất lượng”, ông Thành nói.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, trước những ý kiến khác nhau về kỳ thi, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng có cho học sinh, Bộ đã có những điều chỉnh. Do đó, học sinh nên yên tâm ôn tập, chuẩn bị nền tảng kiến thức tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK…

Theo Kênh 14