Học phí đại học rục rịch tăng từ năm học 2023-2024 khiến nhiều học sinh khối 12 băn khoăn với bài toán chọn trường, ngành học.
“Liệu cơm gắp mắm” khi chọn trường
Ước mơ làm bác sĩ từ thuở bé, Nguyễn Thị Thanh Hương, học sinh lớp 12 ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đang đứng trước bài toán khó khi phải quyết định ngôi trường mình sẽ theo học. Hai ngôi trường mà Hương nhắm đến để học ngành Y khoa là Trường ĐH Y Dược TP HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Tuy nhiên, theo đề án tuyển sinh của hai trường này năm nay, học phí đều tăng. Cụ thể, học phí ngành Y khoa ở Trường ĐH Y Dược TP HCM ở mức 7,48 triệu đồng/tháng, tương đương với 74,8 triệu đồng/năm học; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là 55,2 triệu đồng/năm. Những ngành học khác ở hai trường này như Điều dưỡng, Kỹ thật xét nghiệm uy học, Y tế công cộng…, học phí thấp hơn song cũng ở mức 30-40 triệu đồng/năm. Đó là số tiền quá lớn nếu so với đồng lương làm công nhân của cha mẹ Hương.
“Mỗi tháng, thu nhập của ba mẹ em vào khoảng 15-16 triệu đồng. Nếu em trúng tuyển đại học ngành Y khoa, học phí và chi phí ăn ở, sinh hoạt ít nhất cũng rơi vào khoảng 10-12 triệu. Ba mẹ em sẽ không kham nổi vì còn hai đứa em đang học phổ thông”, Hương cho biết.
Ở các trường đại học tư thục, học phí các khối ngành Y Dược còn cao hơn mức trên 2-3 lần. Chẳng hạn, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thu 180 triệu đồng/năm ở ngành Y khoa, chương trình dạy bằng Tiếng Anh lên đến 220 triệu đồng/năm.
Hương đang tính đến phương án đặt nguyện vọng cao nhất vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ bởi học phí ở đây “mềm” hơn. Năm nay, trường này dự kiến thu học phí bình quân 37,6 triệu đồng/năm, tăng so với mức 24,6 triệu/năm hiện nay. Ngoài ra, điểm chuẩn ở trường này thường thấp hơn so với Trường ĐH Y Dược TP HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nên cơ hội trúng tuyển cao hơn.
“Em có thể chấp nhận học xa nhà, miễn giảm được chi phí cho ba mẹ và thực hiện được ước mơ của mình”, Hương nói.
Do đó, bài toán chọn ngành, trường học khi học phí đại học tăng cũng nỗi trăn trở của nhiều sinh viên khác. “Thông tin đại học tăng học phí khiến gia đình em phải ngồi lại, tính toán kỹ lưỡng việc chọn trường cho em”, Nguyễn Anh Đức, học sinh lớp 12, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM chia sẻ.
Năm nay, Đức muốn vào đại học khối ngành Kinh doanh và quản trị. Với lực học ở mức khá, Đức nhắm đến các trường như: ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Mở TPHCM , ĐH Công nghiệp TPHCM. Nam sinh cho biết, sẽ cố gắng ôn thi tốt, giành điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT để có thêm nhiều lựa chọn.
“Nếu điểm thi có thể đậu tất cả các trường đó, em sẽ chọn trường có học phí thấp nhất giảm gánh nặng cho ba mẹ”, Đức cho biết.
Sau hai năm không tăng theo quy định của Chính phủ, từ năm học 2023 – 2024, nhiều trường dự kiến tăng học phí, phù hợp theo lộ trình Nghị định 81. Chẳng hạn, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến áp dụng mức học phí mới cho năm học 2023-2024 tăng 5-10 triệu đồng/năm so với năm ngoái.
Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cũng dự kiến thu 7,05 triệu đồng/học kỳ ở chương trình đại học chính quy; 17,9 triệu đồng/học kỳ chương trình chính quy chất lượng cao. So với năm ngoái, mức tăng khoảng 5-40% tùy theo chương trình. Tương tự, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM…đều dự kiến tăng học phí trong năm học tới. |
Nhiều giải pháp hỗ trợ sinh viên
Báo cáo gần nhất của Bộ GD&ĐT, Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, số sinh viên có nhu cầu vay vốn chiếm khoảng 10-15% số lượng nhập trường hàng năm.
Theo lãnh đạo các trường đại học, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận các gói học học bổng, chính sách miễn giảm học phí hoặc các gói vay tín dụng không lãi suất trong bối cảnh học phí tăng mạnh.
TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, mỗi năm quỹ học bổng của trường là khoảng 36 tỷ đồng. Theo đó, tất cả sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thi đỗ vào trường đều có cơ hội được nhận học bổng, miễn giảm học phí. Ngoài ra, trường có nhiều gói học bổng do các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cựu sinh viên tài trợ với tổng trị giá khoảng 10 tỷ đồng.
Cũng theo TS Thưởng, trường còn cấp học bổng khuyến tài cho thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn xét tuyển từ 26 trở lên, mỗi điểm tương ứng 1 triệu đồng.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dành trung bình 40 tỷ đồng/năm cho các hoạt động cấp học bổng cho sinh viên; hỗ trợ miễn giảm học phí cho sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo; hoạt động phong trào đoàn hội, khen thưởng sinh viên; hỗ trợ đời sống, sức khỏe sinh viên…
Nhiều năm nay, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch duy trì quỹ học bổng khuyến học mang tên Giáo sư, bác sĩ Dương Quang Trung, hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài học bổng từ các trường và doanh nghiệp, tổ chức xã hội, sinh viên có thể vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Theo Quyết định 05/2022 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, từ ngày 19/5/2022, mỗi học sinh, sinh viên có thể được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để phục vụ việc học.
Từ 3 năm nay, Quỹ phát triển ĐHQG TP HCM đã hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi với lãi suất 0% để học tập. Sinh viên chỉ trả nợ gốc khi có việc làm, có thu nhập, thời gian được vay có thể lên đến 8 năm. |