– Từ năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ đưa đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học chính quy lên cổng dịch vụ công quốc gia.
Sáng 8/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn, làm việc với Bộ GD&ĐT nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính…
Về việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ GD&ĐT mới đồng bộ được hơn 2.000 hồ sơ, vì vậy, cần triển khai mạnh mẽ hơn… Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT, cho biết, từ năm 2021, Bộ sẽ đưa đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học chính quy lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sẽ quản lý online 24 triệu hồ sơ học sinh
Về việc thực hiện chủ trương chính phủ điện tử, ông Hải cho biết, đã gắn mã định danh hầu hết đối tượng thuộc diện quản lý với gần 53.000 trường, 24 triệu hồ sơ học sinh, 1,4 triệu hồ sơ giáo viên. Trong đó, 24 triệu hồ sơ của học sinh trên cả nước đã có thể đưa lên mạng quản lý.
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết, năm 2020, Bộ GD&ĐT đã đơn giản hóa đối với thủ tục xét, cấp học bổng chính sách cho học sinh, sinh viên, tiết kiệm được hơn 745 triệu đồng (tương đương 15,7%) chi phí tuân thủ thủ tục hành chính so với trước khi đơn giản hóa. Ngoài ra, Bộ giảm tổng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được gần 26 tỷ đồng (tương đương gần 28,9%).
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nói về vấn đề tự chủ đại học và SGK. Theo số liệu năm 2019, nguồn thu của các trường ĐH khoảng 10.600 tỷ đồng/năm, trong khi nguồn chi ngân sách chỉ 2.700-2.800 tỷ đồng nên các trường hoàn toàn đảm bảo được tự chủ. Do đó, Chính phủ nên sớm ban hành nghị định về tự chủ đại học và các trường phải thực hiện, ông nói. Ông Tuấn cũng đề cập cơ chế phối hợp tài chính liên quan SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới. “Phải có quản lý nhà nước về SGK, sách tham khảo. Giá SGK nhất định phải quản lý, không thể thả nổi như hiện nay. Vấn đề này Chính phủ đã đồng ý, nhưng Quốc hội yêu cầu cần phải chỉnh sửa, bổ sung”, ông nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Tiến Dũng đánh giá cao những thành tựu mà Bộ GD&ĐT đạt được trong thời gian chống dịch COVID-19, trong công tác tự chủ đại học…, đồng thời đề nghị Bộ không để nợ đọng, quá hạn các nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho. Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn đến đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn, vấn đề bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi…
Theo Báo Tiền Phong