Đánh vần tiếng Việt “lạ”: Bộ GD&ĐT đã thẩm định

0
1275

“Hội đồng thẩm định quốc gia đã thẩm định và chấp nhận cho phép địa phương nào muốn thì tổ chức dạy học theo tài liệu của chương trình này. Bộ GD&ĐT cũng không xác minh đây là trường học nào hay cô giáo nào bởi họ dạy theo yêu cầu của tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục”.

Trên đây là trao đổi của ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) với báo chí, về việc giáo viên có cách đánh vần “lạ” đang gây xôn xao cộng đồng mạng.

Nhiều lần thay đổi giữa “đại trà” và “thí điểm”…

Được biết, cách đánh vần “lạ” này là theo tài liệu của Chương trình Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Cũng theo ông Hữu, chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại nghiêng về ngữ âm học cho nên người ta dạy theo hướng đó và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD&ĐT đã thẩm định là không sai khi đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng khác hay như các phụ huynh nói là “lạ” với cách của chương trình đại trà hiện hành.

Được biết, CNGD là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục VN- Bộ GD&ĐT.

Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Đến năm 1990, đề tài của GS Đại được nghiệm thu, thành lập Trung tâm công nghệ giáo dục, chương trình này bắt đầu chuyển sang giai đoạn đại trà, thực hiện ở 43 tỉnh thành tính đến năm 2000.

Cô giáo dạy học sinh cách đánh vần lạ (Ảnh: Từ clip).
Cô giáo dạy học sinh cách đánh vần “lạ” (Ảnh: Từ clip).

Do quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 nên CNGD phải dừng lại vào năm 2001.

Năm 2008, Lào Cai là tỉnh duy nhất ở phía bắc cùng với 5 tỉnh phía nam tiếp tục quay lại chương trình này.

Năm học 2010 – 2011, Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm thêm một phương pháp, một tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 (gọi tắt là tiếng Việt 1 – CNGD) với địa phương nào có nhu cầu và đăng ký với Bộ.

Năm học 2013-2014, có 37 tỉnh thành trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD nên Bộ GD&ĐT không gọi thí điểm nữa mà cho phép triển khai nếu địa phương có nhu cầu. Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ sách giáo khoa tiếng Việt CNGD.

Ngày 27/8, trao đổi với báo chí, GS Hồ Ngọc Đại cho hay, cách đánh vần này được dạy theo bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, được xây dựng trên tinh thần giải pháp công nghệ giáo dục do ông khởi xướng. Cách đánh vần theo bộ sách này đến nay đã được triển khai ở 49 địa phương với hơn 800.000 học sinh theo học.

Phản đối vì phát âm khác truyền thống

Theo PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội- người từng khiến dư luận “nổi sóng” với đề xuất cải tiến tiếng Việt, cách đọc chữ Tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại gần như không làm thay đổi số lượng chữ cái của bảng chữ cái Tiếng Việt hiện hành. Có chăng, những phản ứng của một bộ phận dư luận khi thấy cách đọc được đổi mới thì đều khá gay gắt.

Bảng ghi âm và chữ Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Bảng ghi âm và chữ Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

“Về hệ thống âm vị mà GS Hồ Ngọc Đại đưa ra hoàn toàn chính xác, đặc biệt là âm vị của người Hà Nội. Nghĩa là âm ‘a’ đọc là ‘a’; ‘ư’ thì đọc là ‘ư’; ‘ơ’ đọc là ‘ơ’; ‘k’ đọc là ‘ca’… Tức âm thì vẫn giữ nguyên như thế và ghi cũng tương tự như vậy.

Về chữ, thầy Đại vẫn không hề thay đổi chữ nào cả mà vẫn giữ nguyên hệ thống chữ để ghi các âm đó. Chỉ duy nhất có ‘bộ 3’ đang gây tranh luận là âm ‘cờ’. Trong chữ quốc ngữ hiện tại gồm chữ ‘c’, ‘k’ và ‘qu’ đều được đọc thành âm “cờ”.

Tức là 3 âm ‘c’, ‘k’, ‘qu’ giờ không đọc theo kiểu cũ nữa mà đọc theo cách mới là âm ‘cờ’. Đây là cách đọc hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu để như thế thì 3 chữ này thành đồng âm.

GS Hồ Ngọc Đại chỉ thay đổi cách đọc 3 chữ này thôi chứ không bỏ đi chữ nào cả. Khi đó, những chữ kia đọc khác đi và đập ngay vào tai của những người quen đọc chữ cũ thì rất trái tai, thậm chí chối tai nên người ta không chấp nhận điều này”, PGS Bùi Hiền nói.

Như Dân trí đưa tin trước đó, một clip được cho là cô giáo tiểu học dạy cách đánh vần Tiếng Việt “lạ” khiến dư luận hoang mang.

Nhiều phụ huynh lo lắng bởi cách phát âm này không giống truyền thống trước đây nên sẽ rất khó dạy cho con em.

Theo Dantri