Để làm tốt môn Lịch sử: Cần lưu ý các cụm từ “khóa”

0
4175

Cô Ngô Thị Thành, hiệu phó trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội, đồng thời là giáo viên dạy môn Lịch sử của trường đã có những chia sẻ với Tiền Phong về những lưu ý đối với thí sinh thi THPT quốc gia năm nay trong việc học và làm bài môn Lịch sử.

Năm nay là năm đầu tiên thí sinh thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia bằng hình thức thi trắc nghiệm. Theo bà, để làm bài thi tốt, các em cần phải chú ý những gì?

Căn cứ với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố lần một vào đầu tháng 10 / 2016 và lần hai là cuối tháng 12/2016, cấu trúc ma trận đề thi Lịch sử gồm 40 câu, chia làm 4 mức độ ( nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao), rải đều ở các phần thi lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam theo cấu trúc Lịch sử Thế giới 12 câu (chiếm 30%); lịch sử Việt Nam 28 câu ( chiếm 70%).

Thi trắc nghiệm hay tự luận chỉ là hình thức kiểm tra kiến thức học sinh sau quá trình học tập, do đó muốn làm bài thi tốt các em cần lưu ý một số vấn đề sau:

Về nội dung kiến thức: Đảm bảo kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, đảm bảo yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về hình thức:Trên cơ sở kiến thức cơ bản, học sinh cần chú ý rèn luyện một số kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức như sau: Đọc hiểu vấn đề và xác định phương án trả lời theo yêu cầu của câu hỏi; Biết so sánh, tổng hợp khái quát và kết nối các sự kiện hiện tượng lịch sử giữa các bài và các giai đoạn liên quan; Tư duy suy luận kết nối giữa các dữ kiện lịch sử; Vận dụng, liên hệ vơi các kiến thức đã học với thực tiễn.

Làm thế nào để có thể “dung nạp” được hết kiến thức môn Lịch sử vì đây là môn học cần học sinh phải nhớ, thuộc nhiều sự kiện, các con số, thưa bà?

Có thể khẳng định với các em: Việc ghi nhớ kiến thức cơ bản không phải chỉ có môn Lịch sử mà ở tất cả các bộ môn khác.

Cách dạy, học và kiểm tra kiến thức bộ môn Lịch sử hiện nay, không chú trọng vào việc ghi nhớ con số, sự kiện mà tập trung vào cần hiểu bản chất của kiến thức sự kiện, hiện tượng lịch sử và cần có kỹ năng so sánh, tổng hợp khái quát,  tư duy suy luận, vận dụng liên hệ với các kiến thức đã học với thực tiễn.

Đo dó, việc học Lịch sử cần nhất vẫn là tư duy và hiểu bản chất của kiến thức cơ bản mới có thể “dung nạp” hiệu quả nhất.

Khi làm bài thi, các em sẽ phải chú ý như thế nào? Làm thế nào để có thể “lọc” được các đáp án nhiễu?

Khi làm bài thi các em lưu ý một số vấn đề sau:

Nắm chắc, hiểu chắc những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và đảm bảo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Đọc kỹ câu hỏi để xác định phương án trả lời theo yêu cầu của câu hỏi.

Lưu ý các “cụm từ khóa” thể hiện kiến thức chốt ở một số nội dung; Sử dụng phương pháp loại trừ đối với một số câu trả lời cần có đủ hai mệnh đề đối lập ( đáp án nhiễu có thể chỉ có 1 trong hai mệnh để).

Sự kiện hiện tượng lịch sử “không đứng một mình”, do đó nhất thiết phải biết suy luận, kết nối giữa các sự kiện có liên quan, đặc biệt phải biết liên hệ với thực tiễn hiện nay.

Xin cảm ơn bà!

TPO