ĐH Bách khoa Hà Nội thay đổi cách tổ chức thi đánh giá tư duy

0
951

Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ diễn ra trong một ngày ở 4 tỉnh, thành; kết quả được ít nhất 8 trường sử dụng.

So với lần đầu tổ chức vào năm 2020, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ mở rộng quy mô. PGS Nguyễn Phong Điền, Hiệu phó nhà trường, cho biết kỳ thi sẽ có yếu tố phân loại cao hơn, nhiều thách thức hơn so với thi tốt nghiệp THPT và có nhiều điểm mới.

Bài thi đánh giá tư duy vẫn gồm một phần bắt buộc và hai phần tự chọn. Trong đó, thí sinh làm phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu trong 120 phút; phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) trong 90 phút; phần tự chọn 2 là Tiếng Anh trong 60 phút hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Phần thi bắt buộc diễn ra vào buổi sáng trong khi tự chọn vào buổi chiều.

Việc tổ chức các bài thi như trên khác so với trước đây. Cụ thể, thí sinh sẽ làm cả ba hợp phần khoa học tự nhiên là Lý, Hoá, Sinh thay vì chỉ chọn một trong hai phần là Lý – Hoá hoặc Hoá – Sinh như trước, do đó thời gian làm bài phần này tăng 30 phút. Ông Điền cho rằng phần này nhằm đánh giá am hiểu của thí sinh về kiến thức THPT, tránh việc học tủ, học lệch.

“Tất nhiên không loại trừ khả năng có những bạn hiểu biết chuyên sâu hơn về một môn trong tổ hợp nhưng xét về tổng thể, chúng ta tạo ra một sân chơi bình đẳng, kết quả cuối cùng chỉ lấy một đầu điểm”, ông Điền cho hay.

Ngoài ra, một điểm mới nữa là thí sinh lựa chọn thi tiếng Anh có thể quy đổi chứng chỉ quốc tế. Việc tổ chức thi trong hai buổi thay vì chỉ một buổi như năm trước cũng giúp các em có cơ hội thi được cả hai phần tự chọn.

Về hình thức, để các thí sinh không bỡ ngỡ, bài thi đánh giá tư duy được thi làm trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và trình bày của các sĩ tử.

Bảng dự kiến phân bổ điểm bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Bảng dự kiến phân bổ điểm bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo dự kiến, kỳ thi tư duy 2022 diễn ra trong một ngày sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc một tuần. Kỳ thi được tổ chức tại bốn địa điểm thuận lợi cho học sinh gồm Hà Nội (Đại học Bách khoa Hà Nội và các trường trong nhóm), Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ.

Hiện, có 8 trường công bố việc sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức tuyển sinh năm 2022, gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Công nghệ Giao thông vận tải, Giao thông vận tải, Mỏ – Địa chất, Thăng Long, Thuỷ lợi, Xây dựng Hà Nội và Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Mỗi trường sẽ có cách thức sử dụng kết quả thi vào xét tuyển đại học khác nhau. Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, các thí sinh có thể chọn thi phần bắt buộc kèm một trong hai phần thi tự chọn, hoặc chọn thi phần bắt buộc kèm cả hai phần thi tự chọn để nâng cao xác suất trúng tuyển trên thang điểm 30. Trường sẽ lấy tới 60-70% trong tổng chỉ tiêu khoảng 7.500 dựa vào kết quả kỳ thi này.

Trước khi kỳ thi chính thức diễn ra, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức hai buổi thi thử online trên hệ thống với cam kết mức độ khó, phân loại học sinh tương đương đề thi thật. Hệ thống này dựa trên nền tảng khảo thí khaothi.online do FPT IS triển khai. Lịch thi thử dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 và tháng 3/2022 để thí sinh làm quen với đề và có kế hoạch học ôn.

Tuân thủ cơ chế tuyển sinh, kết quả từ kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được nhập lên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lưu lại giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT, được xét đồng thời với các nguyện vọng khác. Do đó, kỳ thi tư duy cung cấp dữ liệu để xét tuyển đại học như một phương thức riêng biệt.

Theo Báo VN Express