Đổi mới, tăng cường hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở các trường THPT

0
1087

Để học sinh có cơ hội khám phá và phát triển năng lực bản thân, khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử…, các trường THPT ở Nam Định đã tích cực đổi mới hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp .

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, các trường THPT ở tỉnh Nam Định đã tập trung đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh, học sinh và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Đổi mới, tăng cường hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở các trường THPT - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam định trải nghiệm làm gốm ở làng nghề Bát Tràng (Hà Nội)

Các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp giúp học sinh có cơ hội khám phá và phát triển bản thân, các em được trực tiếp tham gia vào tất cả các hoạt động trải nghiệm do thầy cô tổ chức. Các em sẽ tìm thấy niềm đam mê và hứng thú của mình khi được kích thích sáng tạo, khơi dậy tiềm năng, phát huy tính cá thể, chủ động, tự giác, tích cực và sáng tạo. Từ đó có thêm động lực để học hỏi, phát triển bản thân.

Vì vậy, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, các trường cũng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục STEM. Tổ tư vấn hướng nghiệp các nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch hàng năm, triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường và địa phương.

Một số trường Đoàn thanh niên và chi đoàn giáo viên của các trường THPT phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12 trong vấn đề chọn trường, chọn ngành nghề với sự phối hợp giúp đỡ của nhiều trường Đại học.

Đổi mới, tăng cường hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở các trường THPT - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Một học sinh trình bày bài thi của mình cuộc thi STEM tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong

Trong đó có Đoàn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 12 trong vấn đề chọn trường, chọn ngành nghề với sự phối hợp giúp đỡ của nhiều trường có uy tín như Ðại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Ðại học Hà Nội, Ðại học Ngoại thương… Ðoàn trường còn phối hợp với các cựu học sinh đang là sinh viên các trường đại học về tư vấn về vấn đề chọn trường, khoa, ngành học và phương pháp làm bài để đạt kết quả tốt.

Ngoài ra trường còn thành lập mô hình các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ sở thích, qua đó giúp học sinh phát huy năng khiếu và đam mê của mình. Hiện tại trường đã thành lập và duy trì hoạt động của 18 câu lạc bộ, đảm bảo mỗi học sinh tham gia ít nhất một câu lạc bộ trong trường, trong đó có 6 câu lạc bộ về học thuật. Mỗi câu lạc bộ có ít nhất một giáo viên trẻ tham gia hướng dẫn và hỗ trợ.

Cũng từ mô hình câu lạc bộ ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đã hình thành mô hình này. Ngoài ra, các trường cũng tổ chức các hoạt động hướng nghiệp vào các ngày lễ lớn trong năm như ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày thành lập Ðoàn Thanh niên…

Tại trường THPT Mỹ Lộc, trường này đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho hơn 1.000 học sinh theo các chủ đề; tư vấn cho 100% học sinh khối 12 về làm hồ sơ thi tốt nghiệp THPT… Nhà trường còn thành lập Câu lạc bộ STEM thu hút đông đảo thầy cô giáo và học sinh tham gia.

Thực hiện Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Sở GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học, trong đó có việc chỉ đạo tăng cường các hoạt động hướng nghiệp…

Trong đề án này, Nam Định đề ra đạt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%…

Theo Báo Dân Trí