Dự kiến học phí đại học tăng: Cân nhắc ngành nghề, khả năng chi trả học phí

0
853
toan-canh-diem-san-hoc-phi-cac-truong-dh-y-duoc-cong-lap-nam-2022-1

Sau hai năm trì hoãn bởi dịch COVID-19, năm học này, các trường đại học (ĐH) đang rục rịch tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ. Dù chỉ còn hơn một tháng nữa là xét tuyển ĐH nhưng nhiều trường vẫn chưa công bố mức học phí mới để chờ thông tin hướng dẫn.

Tăng học phí theo lộ trình hàng năm

Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Thủ tướng Chính phủ (Nghị định 81) có hiệu lực từ tháng 10/2021. Theo đó, học phí sẽ tăng theo lộ trình hằng năm, bắt đầu từ năm học 2022 – 2023.

Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí (mức trần, mức sàn) theo lộ trình điều chỉnh không quá 7,5%/năm từ năm học 2022 – 2023 để bù đắp độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng và dự kiến cơ bản tính đủ chi phí vào năm 2030.

Với các cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí từ năm học 2022 – 2023 đến năm học 2025 – 2026, lộ trình điều chỉnh không quá 12,5%/năm từ năm học 2026 – 2027. Việc này do thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quyết định, căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.

Được biết, với các trường đại học công lập, nguồn thu học phí chiếm trên 80% tổng nguồn thu của trường. Thực tế, thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 81 còn khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta. Để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 ngày 20/12/2022 về giữ nguyên mức học phí các cơ sở giáo dục công lập qua ba năm học 2020 – 2021, 2021 – 2022 và 2022 – 2023.

Vừa qua, tại cuộc họp nghe báo cáo về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023 – 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 phù hợp với điều kiện cụ thể.

Hiện một số đại học đã thông báo mức học phí dự kiến cho năm học 2023 -2024. Đại học Ngoại thương dự kiến học phí là 25 triệu đồng/sinh viên/năm cho chương trình đại trà, 45 triệu đồng/năm cho chương trình chất lượng cao và 70 triệu đồng/năm cho chương trình tiên tiến. Đối với sinh viên học hệ chương trình quản trị khách sạn, marketing số, kinh doanh số, truyền thông marketing tích hợp vẫn giữ mức học phí 60 triệu đồng/năm. Mức tăng khoảng 5 đến 10 triệu đồng so với học phí năm 2022. Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng tăng học phí khoảng 14% so với năm học trước, từ 440.500 đồng/tín chỉ lên 550.000 đồng/tín chỉ với hệ đại trà, từ 1,3 triệu đồng/tín chỉ lên hơn 1,47 triệu đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao.

Đại học Thương mại công bố mức học phí mới trong đề án tuyển sinh năm 2023 từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/tháng với chương trình chuẩn và định hướng nghề nghiệp, từ hơn 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng với chương trình chất lượng cao và chương trình tích hợp. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm học 2022 – 2023 học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 – 20 triệu đồng/năm, năm học tới dự kiến từ 16 – 22 triệu đồng. Với những ngành có mức học phí cao trên 50 triệu đồng/năm tại một số trường đều thuộc chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao.

Trong đề án tuyển sinh 2023, Trường ĐH Giao thông vận tải dự kiến chỉ tăng 10%. Như vậy, dự kiến học phí năm học 2023 – 2024 của trường sẽ ở các mức gần 11,2 triệu đồng/sinh viên, gần 11,7 triệu đồng/sinh viên, ngành cao nhất là hơn 13,7 triệu đồng/sinh viên.

Trên đây là mức học phí dự kiến áp dụng theo quy định với trường chưa tự chủ. Khi nhà trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ chi thường xuyên, học phí sẽ thu theo đề án nhưng hệ đại trà không tăng quá 1,5 lần so với mức dự kiến.

Cân nhắc chọn ngành, chọn trường

Như vậy, trong năm học tới, phần lớn các trường sẽ tăng học phí theo quy định của Nghị định 81, nhưng mức tăng cụ thể ra sao vẫn chưa quyết định. Trên thực tế, mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học đã công bố tăng học phí và thu học phí theo mức mới, áp dụng theo Nghị định 81. Sau khi Chính phủ yêu cầu giữ nguyên học phí như năm 2021, các trường đã phải rà soát và trả lại khoản thu chênh lệch cho sinh viên. Vì vậy, lãnh đạo một số trường ĐH cho biết, rút kinh nghiệm của năm 2022 và đang thời điểm trước mùa tuyển sinh, các trường sẽ chờ thông tin hướng dẫn rồi mới quyết định học phí và công bố tới thí sinh.

Theo đó, với mức học phí được quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được các trường áp dụng từ năm học 2023 – 2024, học phí thấp nhất với trường ĐH công lập chưa tự chủ là từ trên 13 – 27 triệu đồng/năm học. Với các trường đại học bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên, khoảng 28,2 – 55,2 triệu đồng. Những trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần, tương đương 70,5 – 138 triệu đồng/năm học. Mức học phí này còn tăng hằng năm không quá 10%.

Theo thống kê dựa trên đề án tuyển sinh năm 2023 do các trường đại học công bố mới đây, mức học phí dao động từ 50 – 70 triệu đồng/năm học ở trường công và từ 150 – 220 triệu đồng/năm học trường ngoài công lập. Khối ngành y, dược đang đứng đầu bảng xếp hạng học phí bậc đại học tại Việt Nam.

Ở khối công lập, dẫn đầu có thể kể đến Trường ĐH Y Dược TP HCM khi ngành Răng – Hàm – Mặt có mức phí đào tạo 7,7 triệu đồng/tháng, tương đương 77 triệu đồng/năm học. Kế đến là các ngành Y khoa với mức 74,8 triệu đồng/năm học, ngành Dược học là 55 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại như Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Dinh dưỡng học, Dược học, Y học dự phòng, Y học cổ truyền… có mức học phí dao động từ 41 – 45 triệu đồng/năm.

Khoa Y thuộc ĐHQG TP HCM cũng dự kiến điều chỉnh học phí năm học 2023 – 2024 với 5 ngành đào tạo. Trong đó, các ngành Y khoa, Dược học, Răng – Hàm – Mặt, Y học cổ truyền học phí là 55 triệu đồng/năm học, tăng 6 triệu đồng so với năm 2022. Riêng ngành Điều dưỡng có học phí 40 triệu đồng/năm học, tăng 3 triệu đồng so với năm ngoái. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm nay có mức học phí cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm học với ngành Y khoa, Dược học, Răng – Hàm – Mặt.

Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm học. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2023 cũng dự kiến thu học phí bình quân cho khoá sinh viên mới, năm học 2023 – 2024 là 37,6 triệu đồng/năm. Trong khi đó vào năm 2022, mức học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà là 24,6 triệu đồng/năm. Như vậy, năm nay, nhà trường đã tăng học phí thêm 13 triệu đồng/năm.

Trước thực tế tăng học phí từ năm học tới đây, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, phụ huynh và thí sinh cần tìm hiểu kỹ xu hướng ngành nghề, nguồn nhân lực trong tương lai để chọn ngành, chọn trường phù hợp. Thí sinh hãy chọn ngành vì yêu thích, đừng chọn theo trào lưu. Đồng thời cân nhắc kỹ về khả năng chi trả học phí để tránh những vất vả về sau.

Phát biểu tại phiên họp ngày 11/5 nghe Bộ GD-ĐT báo cáo về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023 – 2024, liên quan đến phương án điều chỉnh học phí năm học 2023 – 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo, Bộ GD-ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó có phương án hỗ trợ cụ thể, bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông. Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Báo Pháp luật