Đưa môn GDCD thành môn chính?

0
1636

Theo ý kiến của một giám thị sau kỳ thi THPT quốc gia nêu những trăn trở liên quan đến môn giáo dục công dân (GDCD).

Đưa môn GDCD thành môn chính? - Ảnh 1.

Lớp học về cách dạy đạo đức trong các môn học thu hút đông đảo thầy cô giáo tham gia – Ảnh: MINH TRÂM

Đặc biệt, sau bài viết “Thầy cô các môn đi học “dạy” đạo đức”, trăn trở của giám thị nêu trên càng rất đáng quan tâm và giới thiệu cùng bạn đọc.

“Đứng ở góc độ là một giáo viên có nhiều năm giảng dạy, vừa qua làm giám thị coi thi suốt 5 buổi và 1 buổi tập trung thí sinh, tôi thấy thực sự có nhiều vấn đề còn bất cập và vô cùng lo lắng trong chuyện dạy học, rèn luyện của học sinh hiện nay.

Việc đăng ký các môn thi, rất nhiều thí sinh bỏ môn thi GDCD vì coi đây là một môn phụ, rất phụ. Điểm nơi coi thi có gần một nửa số học sinh không thi môn này, theo tôi, đây là một điều nguy hiểm.

Ngày trước ông cha ta đã có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, và câu này vẫn còn hiên ngang treo ở các bức tường của lớp học hay giữa sân trường. Đó chính là ý nghĩa lớn lao của dân tộc ta đã đúc kết hàng ngàn năm qua để có được sáu chữ vàng đó.

Thử nhìn lại một giai đoạn lịch sử rất gần đây thôi, học sinh đã từng rất thích môn học này với tên gọi là môn đạo đức vì nó nói lên những điều thiết thực trong đời sống hằng ngày như đi bên phải đường, nhặt rác, giúp ông bà già qua đường, nhường em trong nhà, kính yêu ông bà, cha mẹ… Môn học đạo đức cứ từng bài thấm vào tâm hồn của học sinh và tạo nên một thế hệ có phẩm chất rất tốt. Những thế hệ đó hiện nay đã năm mươi, sáu mươi tuổi rồi. Và chúng ta thấy rất rõ sự dứt khoát trong ý thức, hành động của những học sinh “ra lò” từ thuở đó.

2 Môn nào chính, môn nào phụ? Đành rằng khi kết hợp hai kỳ thi vào một, xuất phát từ sự tiết kiệm cho xã hội, cho các gia đình và giảm bớt áp lực học tập trong một thời gian ngắn cho hai kỳ thi như trước nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.

Bản chất của giáo dục phổ thông là phổ cập, là giáo dục và rèn luyện cho xã hội những con người có cả phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, để từ đó phát huy hết khả năng làm việc của mình ở bất kỳ môi trường nào, thời điểm nào, con người cũng luôn có một ý chí kiên định, vững vàng, lao động vì bản thân, vì mọi người, vì đất nước.

Thế nhưng việc phân ra môn chính, môn phụ đã làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa của việc phổ cập giáo dục. Hãy nhìn những học sinh đi thi THPT quốc gia, nhìn sự uể oải, những động tác mệt mỏi bất đắc dĩ khi vào phòng thi cho những môn không được coi là chính mới thấy được sự tiềm ẩn nguy hiểm khôn lường trong những con người đó, trong khi chỉ vài năm nữa thôi, những thí sinh này chính thức làm chủ xã hội, đất nước.

3 Con người giống như một cái hồ nước. Trong đó, dưới đáy hồ là bùn đất lắng đọng, không ồn ào, không thể hiện cho người khác thấy nhưng nó chính là nguồn nuôi sống cho phần nước ở phía trên. Đáy hồ đó chính là ẩn thức của con người. Bản chất con người luôn thiện lương ẩn sâu và chỉ những khi vô cùng tĩnh lặng thì con người mới cảm thấy phẩm chất sâu sắc đó.

Phần nước phía trên là sự thể hiện, chính là kiến thức, là kỹ năng, là cảm xúc nổi để trình cho mọi người, xã hội nhìn thấy. Phần nổi này chính là phần làm cho xã hội thay đổi bộ mặt thấy rõ. Việc giáo dục con người cũng chính là khai thác vào hai vùng nổi, chìm đó. Tất nhiên vùng nào cũng quan trọng.

Nhưng hãy hình dung, một ngày nào đó, đáy hồ hoàn toàn mất khả năng nuôi nấng thủy sinh thì chắc chắn chỉ trong ngày một ngày hai, những tôm cá, rong rêu trong hồ sẽ lần lượt chết hết và ngược lại. Việc giáo dục con người chính là tác động lên phần chìm, phần GDCD, và phần nổi, phần giáo dục kiến thức khoa học, kỹ năng sống.

Từ cách so sánh và thực tế, có thể thấy việc thả lỏng môn học GDCD như hiện nay là điều rất đáng tiếc. Chúng ta thường nói về sự vô cảm, thờ ơ, về sự vi phạm điều này, điều nọ trong cuộc sống… Tất cả chính là do GDCD không đến nơi đến chốn. Ngay cả hiện nhiều giáo viên cũng không tự coi trọng mình khi dạy môn học này.

Và hiện nay, chúng ta đã bắt đầu muộn chuyến tàu GDCD của đất nước. Chỉ còn cách chạy thật nhanh thì may ra còn kịp tàu để tạo những công dân văn minh cho sự phát triển và giữ gìn bền vững những giá trị căn bản của cuộc sống này.

Chúng ta thấy những cuốn sách viết về giáo dục của những nước phát triển như Người kỹ sư tâm hồn, Bài ca sư phạm (Liên Xô), Đường về hi vọng, Những tấm lòng cao cả (Mỹ), Tôt-tô-chan, cô bé ngồi bên cửa sổ (Nhật Bản)… cho thấy những nước phát triển họ rất đặt cao vai trò của việc GDCD. Xã hội sẽ văn minh khi có những công dân hạng nhất.

Con người có thể thiếu xe hơi, smartphone, máy tính nhưng nếu được giáo dục phẩm chất, văn hóa tốt thì họ sẽ dần có những thứ đó. Ngược lại, nếu xã hội đầy rẫy các thiết bị công nghệ cao nhưng được sử dụng bởi những con người có phẩm chất, văn hóa kém thì chỉ sau một thời gian ngắn, xã hội sẽ suy tàn, kiệt lực vì sự tàn phá mọi mặt của cuộc sống.