Gia đình các bị can trong vụ gian lận thi cử Sơn La đã chủ động nộp lại số tiền nhờ nâng điểm, nhưng phía gia đình các thí sinh lại không thừa nhận là tiền của mình.
Vụ gian lận thi cử Sơn La trở nên kịch tính khi 8 bị can khẳng định được nhờ ‘nâng điểm thi’, còn những người liên quan thì nói chỉ ‘nhờ xem điểm thi’ hoặc phủ nhận. Ngay cả số tiền tỉ chi ra để nâng điểm giờ cũng không ai nhận là của mình.
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Sơn La, cơ quan công an đã làm việc với 18/18 đối tượng trung gian và làm việc với 42 trường hợp là người thân, cha mẹ của 44 thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm.
Theo đó, còn có mâu thuẫn giữa lời khai của các bị can với số người trung gian hay mâu thuẫn giữa người trung gian này với người trung gian khác, nhất là về nội dung có chuyển thông tin cá nhân hay không chuyển, nhờ nâng điểm hay chỉ nhờ xem điểm thi, có đưa tiền hay không đưa tiền…
Không còn “nhờ nâng điểm”, chỉ còn “nhờ xem điểm”
Cụ thể, đó là mâu thuẫn giữa lời khai của ông Hoàng Tiến Đức – giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, với lời khai của ông Trần Xuân Yến – phó giám đốc sở này. Ông Yến khai được sếp “nhờ nâng điểm” cho 8 thí sinh, còn ông Đức khai chỉ nhờ Yến “xem trước điểm thi”.
Các ông Nguyễn Quang Việt, Bùi Minh Hải, Đỗ Kim Quang, Dương Đức Toàn khai không chuyển thông tin cá nhân của các thí sinh để nhờ ông Đức xem điểm thi, trong khi trước đây ông Đức khai rất rõ việc nhờ vả này.
Theo ông Đức, khoảng cuối tháng 6-2018, tại cuộc họp giao ban ở UBND tỉnh Sơn La, ông được ông Nguyễn Quang Việt (cục trưởng Cục Thuế Sơn La) đưa thông tin cá nhân của thí sinh N.Đ.A., sinh năm 2000, số báo danh 14001279 để nhờ xem sớm kết quả thi.
Cũng tại cuộc này, ông Đỗ Kim Quang (giám đốc VNPT Sơn La) chuyển ông Đức thông tin của thí sinh Đ.M.H., số báo danh 14001415, để nhờ xem điểm thi.
Ông Đức còn khai khoảng 27, 28-6-2018, ông Dương Đức Toàn (giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La) đến phòng làm việc của ông chuyển thông tin của hai thí sinh D.T.T.H (số báo danh 14001394, là con) và Đ.T.N.K. (số báo danh 14001480, là cháu ông Toàn) để nhờ xem điểm trước.
Cũng khoảng cuối tháng 6-2018, ông Bùi Minh Hải (hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Mai Sơn) chuyển cho ông Đức thông tin của thí sinh B.T.N. (số báo danh 14001545, là con ông Hải) để nhờ xem trước điểm thi.
Đến nay cả ba ông Nguyễn Quang Việt, Dương Đức Toàn, Bùi Minh Hải đều khẳng định không chuyển thông tin thí sinh, cũng không nhờ vả gì ông Hoàng Tiến Đức và không rõ vì sao ông Đức khai như vậy.
Đến ngày 23-1-2019, bản thân ông Hoàng Tiến Đức cũng thay đổi lời khai, khẳng định không ai nhờ và cũng không chuyển thông tin 8 thí sinh cho Trần Xuân Yến như Yến khai.
Ngoài ra, có mâu thuẫn trong lời khai của ông Nguyễn Ngọc Hà (trưởng Phòng giáo dục trung học) khi Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga khẳng định được ông Hà chuyển thông tin để “nhờ nâng điểm”, bà Phạm Thị Thu Huyền (trung gian) cũng khẳng định chuyển thông tin cho ông Hà “nhờ nâng điểm”, trong khi ông này chỉ thừa nhận “nhờ xem điểm thi”.
Có mâu thuẫn trong lời khai của ông Nguyễn Minh Khoa (nguyên phó trưởng Công an huyện Mai Sơn) khi các ông Lò Văn Huynh, Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng khẳng định ông này “nhờ nâng điểm”, trong khi ông này nói chỉ “nhờ xem điểm”; mẫu thuẫn trong lời khai về việc đưa tiền khi Lò Văn Huynh khai ông Khoa đã chuyển trước 1 tỉ đồng để nâng điểm cho thí sinh, nhưng ông Khoa phủ nhận.
Chỉ 6 phụ huynh thừa nhận “nhờ nâng điểm”
Theo cơ quan điều tra, qua triệu tập, xác minh đối với 42 người là cha, mẹ, người thân của 44 thí sinh được nâng điểm, vẫn có 6 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh để nhờ “nâng điểm thi”, 21 trường hợp thừa nhận có chuyển thông tin của thí sinh nhưng là để “nhờ xem điểm thi”.
15 trường hợp còn lại không thừa nhận có liên quan, khai không chuyển thông tin thí sinh và cũng không nhờ vả ai “nâng điểm” hay “xem điểm”.
Trong số những trường hợp thừa nhận có nhờ vả “nâng điểm thi”, có bà Lù Thị Kem (giáo viên Trường tiểu học Mường Bú, huyện Mường La). Trước khi chấm thi THPT quốc gia 2018, bà Kem khai có đến nhà bà Phạm Thị Thu Huyền (giáo viên Trường THPT chuyên Sơn La) trao đổi, cung cấp thông tin nhờ giúp nâng điểm cho thí sinh L.C.C. (số báo danh 14002571) ba môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm, đủ điểm xét tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân.
Ngày 30-6-2018, Huyền đến phòng làm việc của ông Nguyễn Ngọc Hà (trưởng Phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT) để nhờ nâng điểm, ông Hà đồng ý và yêu cầu Huyền cung cấp thêm thông tin mã đề thi từng môn vào tờ danh sách thông tin cá nhân của thí sinh.
Bà Huyền khai gia đình thí sinh L.C.C. có hứa hẹn sau khi em đỗ Học viện Cảnh sát sẽ cảm ơn (bằng tiền) sau, nhưng tới nay chưa nhận khoản tiền nào từ gia đình thí sinh và cũng chưa chuyển khoản tiền nào cho ông Hà.
Một trường hợp khác là bà Đào Thị Nhung, hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn huyện Phù Yên. Bà Nhung khai ngày 1-7-2018 có gọi điện cho ông Nguyễn Ngọc Hà cung cấp thông tin, nhờ giúp nâng điểm cho con là thí sinh P.X.D. để đủ điểm xét tuyển đại học, tuy nhiên không thỏa thuận gì về tiền bạc.
Ngoài ra, bà Đinh Thị Lan (ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) có con là thí sinh M.V.T. dự thi THPT quốc gia năm 2018, đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan lục quân. Bà Lan thông qua em gái là bà Đinh Thị Thắng để nhờ Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, là chị chồng của bà Thắng) giúp nâng điểm cho thí sinh này.
Bà Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên Trường THCS Mường Bằng 1, huyện Mai Sơn) khai có con trai là thí sinh V.H.L dự thi THPT quốc gia, nên tìm gặp ông Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) để nhờ nâng điểm thi 3 môn Toán, Hóa học, Sinh học để đủ điểm xét tuyển vào Trường đại học Y Hà Nội.
Bà Lò Thị Trường (TP Sơn La) có con là thí sinh L.M.H. đăng ký dự tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Bà khai có đến nhà riêng gặp ông Lò Văn Huynh (trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng) để nhờ nâng điểm cho con để đủ điểm xét tuyển vào Học viện An ninh.
Theo cơ quan điều tra, về 6 trường hợp khai nhận có cung cấp thông tin cá nhân của thí sinh nhờ nâng điểm, lời khai cơ bản phù hợp với lời khai của 8 bị can trong vụ án, lời khai của các đối tượng trung gian và tài liệu chứng cứ thu thập được.
Chỉ duy nhất còn có sự mâu thuẫn trong lời khai về số tiền đưa cho các bị can để giúp nâng điểm cho các thí sinh. Đáng chú ý là gia đình các bị can đã chủ động nộp lại số tiền này, nhưng phía gia đình các thí sinh lại không thừa nhận là tiền “nhờ nâng điểm” của mình.