Giáo dục 4.0: Thách thức nhà trường và giáo viên

0
1132

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định học sinh (HS) được sử dụng điện thoại phục vụ học tập, nhà trường có thể tổ chức dạy học, kiểm tra HS thông qua máy tính, mạng Internet…

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM học với điện thoại thông minh. Ảnh: Phan NgaHọc sinh Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM học với điện thoại thông minh. Ảnh: Phan Nga

Điều này là cần thiết để phù hợp giáo dục 4.0 (GD 4.0). Tuy nhiên, GD 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho cả nhà trường và giáo viên.

Giáo dục Việt Nam đang ở đâu?

Cách mạng công nghiệp (CMCN) trên thế giới trải qua 4 lần thay đổi. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các cuộc CMCN, GD thế giới cũng trải qua 4 mô hình tương ứng. GD 1.0 với đặc trưng: GD một lần, một chiều, đồng loạt, chuẩn bị con người cho sản xuất công nghiệp; chương trình GD tiếp cận đơn ngành/đơn môn; phương pháp dạy học đọc – chép, HS tiếp nhận tri thức thụ động; lấy giáo viên (GV) làm trung tâm; tài liệu học tập đến từ bài chép và sách giáo khoa (SGK).

GD 2.0, là mô hình GD trong thời kỳ nở rộ của Internet, xuất hiện hình thức học trực tuyến; chương trình GD theo tiếp cận tích hợp đa môn, liên môn; Internet và thư viện điện tử được sử dụng để bổ sung nguồn tài liệu cho HS cùng với SGK; dạy và học từ một chiều sang tương tác hai chiều thầy – trò và trò – trò.

GS Nguyễn Lộc (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), tại Hội thảo “Chiến lược và kế hoạch GD trong bối cảnh CMCN 4.0”, do Viện Khoa học GD Việt Nam tổ chức năm 2018, cho rằng: GD Việt Nam chủ yếu tiếp cận chương trình theo đơn ngành/môn và đa ngành/môn; sử dụng công nghệ ở mức giấy, bút và máy tính; dạy học là một chiều và hai chiều; nhà trường chủ yếu là gạch vữa, lớp học kết hợp với nhấp chuột… nên đang ở GD 2.0 và chuyển sang GD 3.0. Vì vậy, để tiến tới GD 3.0 và GD 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức cho nhà trường và giáo viên.

GD 3.0, lấy người học làm trung tâm; GV chuyển sang vai trò người hướng dẫn, hỗ trợ, HS được khuyến khích chủ động, tự nghiên cứu, học tập suốt đời; phương pháp lớp học đảo ngược được áp dụng (trong đó, HS học lý thuyết, khám phá kiến thức ở ngoài lớp học như thư viện, hệ thống tài liệu của trường, Internet… sau đó việc áp dụng kiến thức để thực hành, phản biện được tiến hành trong lớp qua trao đổi với thầy và nhóm).

GD 4.0, với sự phát triển và ứng dụng của thực tế ảo vào cuộc sống, công nghệ, trí tuệ nhân tạo được cải tiến và đổi mới liên tục; chương trình GD tiếp cận xuyên ngành/xuyên môn (như chương trình GD không môn học mà Phần Lan đang xây dựng và triển khai); thực hiện GD suốt đời, cá nhân hóa học tập, HS học mọi nơi, mọi lúc; đẩy mạnh lớp học đảo ngược; trí tuệ nhân tạo ứng dụng vào GD tối đa, mỗi HS có một lộ trình học tập được thiết kế riêng phù hợp với cá nhân; công nghệ thực tế ảo giúp người học được trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng tốt hơn,…

Thách thức nhà trường và giáo viên

Thách thức lớn nhất là chương trình và phương thức dạy học tích hợp (DHTH) xuyên môn. Chương trình GD hiện hành theo tiếp cận đơn môn, Chương trình GD phổ thông mới theo tiếp cận tích hợp đa môn và liên môn, để tiến tới chương trình xuyên môn vẫn còn là khoảng cách lớn.

DHTH thực hiện ở trường phổ thông với 2 hình thức là tích hợp lồng ghép và tích hợp liên môn. Dạy học STEM chính là DHTH liên môn: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán. Còn DHTH xuyên môn – một hình thức DHTH bậc cao, trong đó, chủ đề được đưa ra từ bối cảnh xã hội, sự quan tâm của HS, vận dụng kiến thức, kỹ năng nhiều môn để giải quyết vấn đề… vẫn còn mới mẻ và khó đối với GV.

Thách thức thứ hai là lớp học đảo ngược. Mặc dù, trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy dạy học trực tuyến ở trường phổ thông. Tuy nhiên, lớp học đảo ngược, hiện mới có một số trường ĐH áp dụng, nó hoàn toàn mới và khó với trường phổ thông. Thầy cô hiện nay chỉ dừng lại mức khuyến khích HS tự nghiên cứu bài mới ở nhà thông qua SGK và tài liệu tham khảo.

Thách thức thứ ba là cá nhân hóa học tập. Quan điểm dạy học phân hóa phù hợp với từng HS được quy định trong chương trình GD. Tuy nhiên, chương trình GD được xây dựng để dạy đồng loạt. HS tiểu học và THCS học tập hoàn toàn như nhau, chỉ có HS THPT mới được lựa chọn các môn học, hoạt động GD theo nhu cầu cá nhân. Trường học được phép xây dựng chương trình nhà trường, dựa trên chương trình GD quốc gia, để phù hợp với điều kiện của trường nhưng chưa thể xây dựng các chương trình phù hợp với từng HS.

Thách thức thứ tư là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tìm kiếm dữ liệu tài liệu trên kho dữ liệu lớn. Trí tuệ nhân tạo, nhất là hệ thống thực tế ảo (Virtual Reality – VR), là một trải nghiệm mô phỏng có thể giống với thế giới thực, được các nước như Hoa Kỳ, một số nước châu Âu triển khai ở trường phổ thông, nhưng ở Việt Nam mới bắt đầu bằng dạy học STEM-Robot, ở đó HS có thể lắp ráp, lập trình điều khiển robot thông qua kết nối bluetooth với điện thoại… nhưng chỉ những trường có điều kiện mới thực hiện được. Ngoài ra, với kho dữ liệu lớn trên Internet (đúng, sai lẫn lộn), việc tìm ra thông tin chính xác, phù hợp để giảng dạy là một thách thức với GV, do áp lực thời gian, do khả năng ngoại ngữ.

Thách thức thứ năm là xu thế tất yếu dạy học phát triển năng lực HS, đặc biệt là năng lực tự chủ và tự học, hợp tác và giao tiếp, giải quyết vấn đề sáng tạo, học tập suốt đời… đã buộc GV phải thay đổi vị trí của mình, không còn là người cung cấp kiến thức mà chuyển sang người hướng dẫn, hỗ trợ và hợp tác; GV chấp nhận một thực tế rằng, có nhiều vấn đề HS hiểu biết, thành thạo hơn, từ đó người thầy phải biết tự học, đam mê học tập và học suốt đời.

Từng bước tiến tới GD 4.0

Để vượt qua các thách thức này, trước hết, ngành Giáo dục cần hoàn thiện những quy định như: HS được sử dụng điện thoại thông minh; GV có thể trao đổi, giao bài tập thông qua Internet; dạy học và kiểm tra, đánh giá HS thực hiện bằng hình thức trực tuyến, kể cả quy định về lớp học đảo ngược… để từng bước tiến tới GD 4.0.

Xây dựng nhà trường như một hệ sinh thái học tập thông minh, bao gồm: Chủ thể học tập (HS, GV, nhóm học tập…); tri thức học tập (chương trình, SGK, tài liệu thư viện, tri thức người học, tri thức người dạy, Internet…); công nghệ học tập (Internet, E-learning, phần mềm hỗ trợ, phần mềm mô phỏng…); hoạt động học tập (học lý thuyết, thực hành, trải nghiệm, lập trình…). Chú trọng đến các bài học nhân văn từ hoạt động hoạt động GD nói chung và hoạt động GD STEM, để không chỉ phát triển năng lực STEM mà còn phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm cho HS.

Đối với GV, cần phát triển các kỹ năng quan trọng như: Kỹ năng hợp tác, lắng nghe; kỹ năng DHTH, kỹ năng giải quyết các vấn đề, kỹ năng sáng tạo trong dạy học, kỹ năng tìm hiểu HS và cộng đồng, kỹ năng phản biện, kỹ năng sử dụng công nghệ… Với quan điểm một chương trình nhiều SGK hiện nay, GV phải có kỹ năng phản biện, để hiểu vấn đề sâu hơn và sáng tạo. Việc đòi hỏi một GV phải thành thạo nhiều lĩnh vực là rất khó, tuy nhiên GV cần nghiên cứu các lĩnh vực lân cận lĩnh vực mình phụ trách, đặc biệt là ngoại ngữ, và tin học.

Theo Báo Giáo dục và đào tạo