Năm 2021, giáo dục đại học Việt Nam có nhiều sự kiện nổi bật, nhiều hỉ, nộ, ái, ố…
Bằng giả khiến cựu lãnh đạo ĐH Đông Đô ngồi tù
Những ngày cuối năm, hàng loạt cựu lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô phải trả giá vì liên quan đến việc cấp hàng trăm bằng giả để hưởng lợi hàng tỷ đồng được phanh phui từ năm 2020. Trong đó, cựu hiệu trưởng lĩnh 12 năm tù, 2 hiệu phó lần lượt lĩnh 10 năm tù và 9 năm tù. 7 người còn lại là trưởng phòng, cán bộ nhà trường bị tuyên phạt từ 12 tháng tù treo đến 6 năm tù giam.
Lần đầu tiên trường đại học Việt Nam vào top 500 thế giới
Năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam có 2 cơ sở giáo dục lọt vào top 500 thế giới theo bảng xếp hạng đại học thế giới THE 2022 là Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân.
Dù vướng nhiều ‘lùm xùm’, không thể phủ nhận những thành quả của Trường ĐH Tôn Đức Thắng |
Ngoài ra, 11 cơ sở giáo dục Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á, theo Quacquarelli Symonds (QS AUR). Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng với vị trí thứ 142; ĐH Quốc gia Hà Nội với vị trí 147; ĐH Quốc gia TP.HCM ở vị trí 179, Trường ĐH Duy Tân ở vị trí 210, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 281-290.
Cũng trong năm 2021, 5 cơ sở đào tạo đại học này có 7 lĩnh vực lọt top thế giới
Tuy vậy, nghi vấn về ‘mua bán’ bài báo quốc tế để thăng hạng cũng đang gây nhiều tranh cãi. Cùng với đó, nhiều kiến nghị đề xuất nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về ‘tự chủ’ để các trường đại học Việt Nam thực sự ‘cất cánh’. Đặc biệt là độ ‘vênh’ giữa chủ trương thí điểm và một số quy định của các văn bản luật liên quan đến tự chủ đại học.
Tân sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng
Các trường đào tạo sư phạm ‘đắt hàng’ năm nay được cho một phần từ tác động của Nghị định 116/2020/NĐ-CP |
Năm 2021, ngành giáo dục chính thức triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên theo học, còn mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập.
Một trong những điểm mới của hướng dẫn thực hiện Nghị định này là các địa phương có thể lựa chọn hình thức đấu thầu trong đào tạo giáo viên, bên cạnh 2 hình thức khác là giao nhiệm vụ và đặt hàng.
Triển khai Đề án 89 sau 2,5 năm được phê duyệt
Giữa tháng 5/2021, sau 2,5 năm Chính phủ ban hành quyết định, Bộ GD-ĐT mới có công văn hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng ngân sách năm 2021 và 2022 theo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030″ (Đề án 89).
Ngày 20/9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố Thông tư hướng dẫn triển khai Đề án này.
30% giảng viên đại học ở Việt Nam có trình độ tiến sĩ. Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có hơn 2.500 giảng viên đăng ký theo học.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay, việc tăng mức đầu tư cho đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo Đề án 89 sẽ giải quyết được một trong những hạn chế mà Đề án 911 từng gặp phải, tránh việc do mức kinh phí hỗ trợ học tập và nghiên cứu thấp nên các ứng viên chỉ coi đây là lựa chọn cuối cùng khi không xin được những học bổng khác.
Với một số thay đổi trong quy trình tuyển chọn, cơ chế quản lý, Đề án 89 được kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế của Đề án 322 và Đề án 911.
Tuy vậy, trong khi mức chi cho 1 giảng viên làm tiến sĩ ở nước ngoài dự kiến cao nhất tới 3,5 tỷ đồng/người thì mức dự chi cho nghiên cứu sinh làm thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước theo dự thảo của Bộ Tài chính lại khá ‘bèo bọt’.
Điều này làm dấy lên lo ngại các cơ sở đào tạo trong nước khó thu hút được người giỏi trong khi với gần 30% đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhiều người được đào tạo bài bản tại nước ngoài, cơ sở vật chất cho nghiên cứu được đầu tư mạnh mẽ, lãnh đạo một số trường đại học khẳng định đủ sức đào tạo nghiên cứu sinh có chất lượng.
>>> Quá bèo bọt mức dự chi cho giảng viên làm tiến sĩ trong nước
‘Chuẩn’ đào tạo tiến sĩ bị chê
Năm 2021, Thông tư 18 về đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT cũng gây ra nhiều tranh cãi, chủ yếu liên quan đến việc công bố quốc tế. Nếu trước đây nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế thì nay chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước là được bảo vệ. Người hướng dẫn cũng không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong nước ‘loại trung bình’ trong 5 năm cuối.
Thông tư mới được ban hành trong bối cảnh, 4 năm qua, số lượng tuyển sinh tiến sĩ giảm rõ rệt.
Có ý kiến cho rằng, việc đưa ra quy chế mới là rất cần thiết, khắc phục điểm chưa phù hợp, trong đó yêu cầu đầu ra cần có bài báo quốc tế chưa phù hợp với một số ngành xã hội, lý luận,…
Dù vậy, nhiều ý kiến phản ứng gay gắt và cho rằng Bộ GD-ĐT đã ‘hạ chuẩn’ so với quy chế 2017 khiến chuẩn tiến sĩ của Việt Nam ‘thua’ Thái Lan, Malaysia và có thể mở đường cho ‘lò ấp tiến sĩ’ quay lại như thời kỳ trước.
>>> Tranh cãi ‘nảy lửa’ về chuẩn tiến sĩ mới của Việt Nam
Tân sinh viên chưa biết mặt giảng đường đại học
Đến thời điểm này câu chuyện học trực tuyến không còn xa lạ, trong đó có giáo dục đại học.
Do dịch Covid-19, các trường ĐH đều chuyển qua dạy học trực tuyến, thi học phần cũng trực tuyến.
Tân sinh viên chưa được đến trường. Trong khi đó, sinh viên 20 trường đại học chưa thể tốt nghiệp vì dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Ở TP.HCM, hàng loạt KTX các trường ĐH được trưng dụng thành khu cách ly tập trung. Cùng với việc học trực tuyến, các trường ĐH đầu tư vô cùng mạnh mẽ cho chuyển đổi số.
Tuy nhiên vì học online nên rất nhiều sinh viên đã bỏ hoặc đăng ký môn ít hơn nhiều so với năm trước. Với tân sinh viên, do học online nên phần lớn chưa được đặt chân đến giảng đường đại học.
Điểm chuẩn đại học tăng vọt, 30 điểm vẫn có thể trượt
Năm 2021, có 795.353 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển đại học.
Do có nhiều phương thức xét tuyển cùng với sự thay đổi về tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, điểm chuẩn đại học xét từ thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng cao chưa từng có. Có những ngành mà điểm chuẩn tăng 9 – 11 điểm, mức tăng từ 2- 4 điểm cũng không hiếm.
61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Cá biệt, 3 ngành của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa), Học viện Chính trị Công an nhân dân, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn 30 – 30,5. Như vậy, nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30/30) mà không có điểm ưu tiên thì vẫn có khả năng trượt.
Giảng viên và sinh viên gặp sự cố ‘học online’
Đầu năm nay, một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM mắng sinh viên là “óc trâu” trong giờ học online gây xôn xao mạng xã hội.
Sau sự việc Trường này đã gửi thư mong giảng viên giữ cách ứng xử đúng mực của người làm công tác giảng dạy, tránh các từ ngữ, các phát biểu quá nặng nề.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì xin lỗi vì sự việc giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online.
Còn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, một sinh viên đã khoả thân, quan hệ tình dục với bạn gái nhưng quên tắt camera khi đang học.
Theo Báo Vietnamnet