Tuần qua, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam thực sự bước sang một giai đoạn khó khăn mới. Ngành giáo dục đã có những động thái cụ thể, phù hợp, nhằm ứng phó linh hoạt trước thách thức của đại dịch toàn cầu.
Bộ GD&ĐT đề xuất với Thủ tướng 6 giải pháp hỗ trợ cơ sở GD
Bộ GD&ĐT vừa đề xuất với Thủ tướng một số giải pháp hỗ trợ về tài chính giúp các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Bộ GD&ĐT đề xuất miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và quý 2-2020.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét miễn BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và quý 2-2020.
Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà mạng, đài phát thanh, truyền hình có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối phát miễn phí cho toàn bộ các cơ sở giáo dục để tổ chức dạy, học trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người mà vẫn truyền đạt được kiến thức cho người học.
Bộ đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục để giảm các chi phí phát sinh trong công tác phòng, chống bệnh COVID-19. Mức hỗ trợ áp dụng trên đầu học sinh hiện có và theo số lượng phòng học/điểm trường theo phân cấp ngân sách.
Bộ cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn hỗ trợ các sở GD&ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung nhằm khuyến khích đa dạng phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay.
Cô giáo người Mường lọt top 50 giáo viên toàn cầu
Cô Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) vào top 50 giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation công bố sáng 19/3.
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kịp thời gửi thư chúc mừng cô Ánh Phượng. Trong thư, Bộ trưởng nhấn mạnh giải thưởng được ví như “giải Nobel của ngành giáo dục”. Việc cô Phượng lọt vào top 50 là niềm vui, tự hào của ngành giáo dục cả nước.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố). Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.
Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) vào top 50.
Bộ GD&ĐT hồi đáp đề xuất giảm quy mô kỳ thi THPT quốc gia 2020
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng như hiện nay, một số ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT nên công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 không có nguyện vọng học đại học, cao đẳng; chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho những em có nguyện vọng xét tuyển đại học.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang – chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Marie Curie Hà Nội cũng đã có thư kiến nghị gửi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị giảm bớt bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia, giảm bớt môn thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để giảm áp lực cho học sinh.
Hồi đáp kiến nghị của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang , PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cho biết, theo kết luận số 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020.
Kết quả của kỳ thi được sử dụng để: xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương, làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Trên thực tế, tuyệt đại đa số các trường đại học đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh ở các mức độ khác nhau.
Do đó, Bộ GD&ĐT quyết định kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình do COVID-19 để làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập, giảm bớt lo lắng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Học phí học trực tuyến do nhà trường và phụ huynh thỏa thuận
Xung quanh tranh cãi về việc các trường có được thu học phí khi tổ chức dạy học trực tuyến hay không, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD&ĐT, đã lên tiếng giải thích.
Đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.
Ông Khánh khẳng định, Bộ GD&ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online… thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ này là thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh. Bộ GD& ĐT không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này.
Hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT khuyến nghị lưu học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT khuyến cáo lưu học sinh cần hết sức cân nhắc việc về Việt Nam trong bối cảnh đi lại khó khăn như hiện nay.
Bộ GD&ĐT khuyến cáo lưu học sinh đang ở nước ngoài cần tuân thủ tuyệt đối quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ quan chức năng nước sở tại, bám sát các nội dung khuyến cáo của Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài và thực hiện theo hướng dẫn.
Cộng đồng lưu học sinh tại nước ngoài cần bình tĩnh, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ thông tin về cách phòng, chống dịch COVID-19; không bị tuyên truyền hoặc truyền bá những thông tin chưa được kiểm chứng.
Lưu học sinh nên ở trong nhà và không di chuyển đến nơi công cộng nếu không thực sự cần thiết; theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập của các cơ sở giáo dục nước sở tại để đảm bảo chương trình học tập.
Lưu học sinh lưu ý thủ tục liên quan đến việc nhập học lại, những khó khăn, rủi ro trong quá trình di chuyển nếu quay về Việt Nam. Hơn nữa, lưu học sinh cần hết sức cân nhắc việc về Việt Nam trong bối cảnh đi lại khó khăn như hiện nay.
Trường hợp thật sự cần thiết phải trở về Việt Nam, lưu học sinh phải trung thực thực hiện các yêu cầu khai báo y tế, thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Theo Báo Giáo dục và Thời đại