Học ngành gì để 4 năm tới có việc làm?

0
12730

Ngành công nghệ thông tin, quản lý khách sạn… có dễ tìm việc trong 4 năm tới? Học sinh Khánh Hòa băn khoăn trong chương trình tư vấn sáng nay.

Ngành công nghệ thông tin, quản lý khách sạn có dễ tìm việc?

TS Phùng Quán – ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH quốc gia TP.HCM cho biết hiện nay nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin cần rất nhiều, mỗi năm Việt Nam cần 40.000 vị trí cho ngành này. Tuy nhiên hiện nay nguồn cung nhân lực mới chỉ đáp ứng được 32.000, nên Bộ GD-ĐT năm 2017 đã có công văn cho phép sinh viên các ngành khác chuyển qua học công nghệ thông tin.

“Tố chất cần ở ngành này là tư duy logic, có khả năng sáng tạo, phân tích suy luận tốt, đam mê công nghệ. Một điều quan trọng đó là ngoại ngữ tốt để có thể thực hiện các chương trình lập trình, đồng thời phải có khả năng chịu áp lực tốt”, TS Phùng Quán lưu ý.

Học sinh Huỳnh Anh – Trường THPT Hà Huy Tập, cùng nhiều bạn khác quan tâm ngành quản trị khách sạn. Huỳnh Anh hỏi: “Ngành này được học những gì và ra trường dễ có việc làm không?”.

Trả lời câu hỏi này, TS Hứa Minh Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM cho biết hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành này, sinh viên sẽ được học các kiến thức chung về kinh tế trong quản trị khách sạn, cách quản lý, tổ chức sự kiện quản lý khách sạn, dịch vụ… Khánh Hòa và các TP du lịch hiện nay đều đang thiếu nhân lực ngành này.

Tại gian tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội, y dược, công an, quân đội, luật, sưu phạm… nhiều học sinh thắc mắc cơ hội việc làm cho ngành sư phạm hiện nay?

TS Phan Phiến – trưởng phòng đào tạo và khảo thí ĐH Khánh Hòa, cho biết những năm gần đây Bộ GT-ĐT đang siết, giảm chỉ tiêu đối với ngành sư phạm. Chỉ tiêu giảm thì chất lượng sẽ được nâng cao hơn, nên cơ hội việc làm cũng sẽ cao.

TS Phiến cũng cho biết sắp tới sẽ có thêm một số trường THPT được mở tại các huyện của tỉnh Khánh Hòa, mở ra nhiều cơ hội việc làm. “Quan trọng nhất vẫn là học tập tốt cộng năng lực bản thân thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm”, TS nhấn mạnh.

TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHGQ TP.HCM nhắn nhủ: “Bốn năm học ở ĐH cực kỳ quan trọng, có những em ở cấp III học rất giỏi nhưng lên ĐH phải thi lại các học phần môn.

Điều đó cho thấy các em phải cố gắng rất nhiều, linh động để đáp ứng được chương trình học đề ra. Có việc làm hay không là nhờ quá trình cố gắng học, năng động để có được các kỹ năng cần thiết khi ra trường”.

theo TTO