Học sinh TP.HCM trở lại trường: Học và thi ra sao?

0
861

Hôm nay 4-1, học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 ở TP.HCM trở lại trường sau thời gian học trực tuyến vì dịch COVID-19. Bên cạnh đảm bảo an toàn trường học, các trường cũng nhanh chóng lên lịch ôn tập kiểm tra cuối học kỳ 1 cho học sinh.

Học sinh TP.HCM trở lại trường: Học và thi ra sao? - Ảnh 1.

Giáo viên bố trí chỗ ngồi và hướng dẫn cách phòng chống dịch cho học sinh lớp 11 Trường THCS – THPT Diên Hồng (quận 10, TP.HCM) sáng 3-1, chuẩn bị cho hôm nay đi học lại – Ảnh: NHƯ HÙNG

Hơn 1.800 học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) có mặt tại trường vào ngày 4-1. Cô Lê Thị Thanh Giang – hiệu trưởng trường – chia sẻ: “Với khối 9, các em học tập bình thường, còn khối 7, 8 lệch ca. Học trực tiếp lần này các em không chia lớp nhưng phòng cách phòng.

Sau tuần đầu, các em sẽ kiểm tra học kỳ 1 với 9 môn. Thi trực tiếp từ các môn được ôn trực tiếp, còn những môn như âm nhạc, tin học, mỹ thuật, thể dục thì cả 3 khối sẽ thi online”.

Tận dụng từng giờ để ôn tập

Trong khi đó, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) lại chia khối lớp 7, 8 ở hai buổi sáng chiều, còn lớp 9 giữ nguyên thời gian biểu. Cô Hứa Thị Diễm Trâm – hiệu trưởng – cho biết trường không đủ phòng để chia lớp.

Quá trình học thì lớp nào cố định phòng học đó. Việc các em đi lại tại cầu thang cũng là cố định. Cuối buổi học trường sẽ cho khử khuẩn từng phòng học, hành lang, cầu thang… Hạn chế thấp nhất việc các lớp học giao lưu qua lại.

Đây được xem như biện pháp khoanh vùng để phòng chống dịch. “Trường phải làm kỹ vì các em học tập trực tiếp và thời gian từ đây đến lúc thi còn chưa đầy 1 tuần nên trường hết sức thận trọng”.

Tương tự, Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng lên phương án “chạy nước rút” cho tuần cuối trước khi thi học kỳ 1.

“Cả 3 khối lớp 10, 11, 12 của trường là hơn 1.500 học sinh sẽ bước ngay vào ôn tập những gì các em đã được học trong chương trình bằng phương pháp online.

Chúng tôi sẽ chia lệch ca ra để các em thi. Nội dung ôn tập, các giáo viên bộ môn đã triển khai bằng đề cương. Riêng môn thể dục vẫn kiểm tra và thực hành riêng”, thầy Lê Hữu Hân – hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa – nói.

Về việc tranh thủ ôn tập khi học sinh trở lại trường, cô Đinh Thị Vân Hà – giáo viên môn vật lý khối lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) – chia sẻ đã lên kế hoạch cụ thể từ trước. “Vào lớp tôi sẽ tiếp tục ôn các phần đã ôn dang dở cho các em khi học trực tuyến.

Đề cương là phần bài tập trắc nghiệm. Tôi sẽ tập trung vào đó để các em bám sát vì môn lý lớp 7 chỉ có 1 tiết/tuần. Môn lý thi muộn hơn các môn khác nên tận dụng thời gian đó tôi sẽ kết hợp ôn thêm cho các em”, cô Hà nói.

Ông Hà Hữu Thạch – hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) – cho biết trong tuần đầu tiên sau khi học sinh lớp 10, 11 trở lại trường, nhà trường sẽ bố trí thời gian bổ túc kiến thức cho học sinh để các em bước vào kỳ kiểm tra học kỳ 1 với tâm thế tốt nhất.

Học sinh TP.HCM trở lại trường: Học và thi ra sao? - Ảnh 2.

Học sinh khối lớp 9 Trường THCS Lý Phong (quận 5, TP.HCM) được đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào lớp – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các phương án đảm bảo an toàn

Trước đây, hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM đã chuẩn bị các phương án an toàn ngay từ lúc học sinh lớp 9, lớp 12 trở lại trường.

Tuy vậy, để đảm bảo việc phòng dịch khi đón các em khối lớp 7, 8, 10, 11 đi học lại, trong ngày 3-1 có rất nhiều trường tiếp tục tập huấn cho giáo viên những nội dung cần thiết.

Ông Đỗ Đình Đảo – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) – cho biết toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà trường đã đến trường sáng 3-1 tập huấn lại một lần nữa việc phòng dịch để đón các em học sinh lớp 10, 11 đến trường sao cho an toàn nhất.

“Mọi khâu phòng dịch đã chuẩn bị xong vào ngày 31-12-2021 nhưng chúng tôi muốn khi các em và phụ huynh vào trường cảm thấy tâm thế an toàn, thoải mái nhất”, ông Đảo nói.

Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Bình Tân) sáng 3-1, thầy cô và các nhân viên tại trường đều có mặt và duyệt lại các nhiệm vụ được giao để đón học sinh vào ngày 4-1.

Ông Hồ Thanh Danh – hiệu trưởng – cho biết trường có 3.000 học sinh, kể cả học sinh khối 6. Vì thế, từ khi học sinh khối 9 đi học trở lại, nhà trường đã tính kỹ các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho học sinh.

Ngày 4-1, bắt đầu đón thêm học sinh các khối 7, 8. Nhà trường chia ra hai cổng để học sinh đi vào trường, tránh tập trung quá đông.

Những học sinh được cha mẹ chở đến trường sẽ vào và ra về bằng cổng trước. Cổng còn lại của trường sẽ dành cho học sinh đi xe đạp. Nhà trường cũng chia mỗi lớp ra làm hai phòng học và mỗi bàn chỉ có một học sinh ngồi học.

Trường THCS Nguyễn Trãi cũng bố trí cho học sinh khối 9 học buổi sáng, còn khối 7, 8 học buổi chiều.

Và để đảm bảo an toàn cho học sinh khi ra chơi, trường này đã cho thành lập một tổ “trật tự” gồm các giáo viên và cán bộ nhằm nhắc nhở và yêu cầu học sinh không tụ tập.

“Học sinh đi học thích nhất là tay bắt mặt mừng, trò chuyện chơi với nhau, lớp này chơi với lớp kia. Do đó nhà trường có đội ngũ 40 thầy cô, đoàn viên sẽ phân nhau túc trực nhắc nhở học sinh không tụ tập trên sân. Ngoài ra, thời gian ra chơi được rút ngắn hơn so với trước đây để đảm bảo an toàn nhất cho các em”, thầy Hồ Thanh Danh nói.

Cùng chia sẻ thêm về phương án nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, ông Nguyễn Vi Tường Thụy – hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) – cho biết trường sẽ bố trí tất cả học sinh khối 7, 8, 9 học vào các buổi sáng trong tuần nên sẽ phân bổ thời gian học lệch ca, lệch giờ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Theo đó, ngay từ khi học sinh đi vào trường, Trường THCS Nguyễn Văn Tố đã phân luồng theo từng lớp, yêu cầu học sinh đứng giãn cách, sau đó các em sẽ rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt.

Nếu lúc này học sinh có biểu hiện bất thường sẽ được dẫn đến khu vực cách ly để làm các bước phòng dịch cần thiết. Trên lớp, trường cũng bố trí học sinh ngồi đúng khoảng cách, mở cửa thông thoáng, không mở máy lạnh…

Để đảm bảo an toàn giờ ra chơi, nhà trường bố trí lệch giờ ra chơi giữa các lớp nhằm đảm bảo giãn cách. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chia sân thành các góc để học sinh thư giãn, tạo không gian an toàn cao nhất có thể cho các em.

“Ngoài tuân thủ quy tắc 5K, chúng tôi sắp xếp học sinh đến trường và ra về luôn tuân thủ theo quy trình một chiều, đến bằng một đường và về bằng một đường”, ông Nguyễn Vi Tường Thụy nói và chia sẻ thêm dù theo quy định có thể tổ chức bán trú cho học sinh tại trường nhưng Trường THCS Nguyễn Văn Tố chưa thực hiện. “Chúng tôi muốn học sinh đi học một thời gian để các em quen nề nếp, quen cách ở trường sau đó mới sắp xếp tổ chức bán trú…”.

Học sinh TP.HCM trở lại trường: Học và thi ra sao? - Ảnh 3.

Sáng 3-1, nhân viên Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8, TP.HCM) làm vệ sinh khử khuẩn phòng học để chuẩn bị đón học sinh khối 7, 8 đi học trở lại từ hôm nay – Ảnh: NHƯ HÙNG

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM):

Thời điểm trở lại trường rất thích hợp

Tôi thấy thời điểm này học sinh trở lại trường là rất thích hợp. Các em đã chích ngừa đầy đủ. Thầy cô và người lớn trong gia đình cũng gần như đã chích ngừa COVID-19 hai mũi trở lên nên chúng ta rất yên tâm.

Khi học sinh đến trường, các em ngoài việc tuân thủ nguyên tắc 5K thì cần theo nguyên tắc trong khu vực không xáo trộn. Ví dụ, lớp học có thể chia theo tổ và mỗi tổ có thể ngồi chung, ăn chung, xếp hàng chung… với nhau. Đó là nguyên tắc quan trọng trong phòng chống dịch.

Nhìn chung, COVID-19 thực sự rất “hiền hòa” với thanh thiếu niên, trừ những trường hợp trẻ béo phì và có bệnh nền. Khi đi học, có thể có một vài học sinh sẽ trở thành F0 nhưng tôi cho rằng chúng ta sẽ phải dần thích ứng với thực tế này.

Vì tình hình dịch sẽ tồn tại từ nay đến ít nhất khoảng 1 năm nữa. Tôi cho rằng trẻ bị F0 khi đi học trực tiếp trở lại sẽ ít ảnh hưởng xấu hơn so với việc trẻ ở nhà bị bạo hành hoặc những bệnh trầm cảm do hậu quả của học trực tuyến kéo dài mang lại.

Đi học trực tiếp trở lại cũng là cách học sinh học cách đối phó với tình hình dịch. Cho dù hiện nay học sinh không đi học thì các em cũng có thể là F0 khi bị lây trong gia đình hoặc những nơi các em đi đến.

Và khi ấy các em cũng chưa biết cách phải đối phó thế nào. Do đó, tôi cho rằng việc đi học trực tiếp trở lại cũng là dịp để học sinh thích nghi với tình hình mới.

Khoanh vùng bục giảng

Ngày 3-1, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, lớp học sẽ được khoanh vùng ở bục giảng và chỗ ngồi của học sinh.

Thầy Nguyễn Minh – hiệu trưởng trường – giải thích: “Trường tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch nhưng cũng khuyến khích thêm thầy cô ở giai đoạn đầu là hạn chế tương tác các hoạt động của học sinh với nhau, hoạt động giáo viên với học sinh. Tức là khoanh vùng bục giảng, khoanh vùng chỗ ngồi. Giáo viên không đi xuống dưới lớp cũng như không khuyến khích học sinh lên bảng làm bài để tránh tiếp xúc gần.

Còn khi học thể dục, học sinh học ngoài trời, không học trên lớp. Trong quá trình dạy học, giáo viên bộ môn sẽ có cách tổ chức, quản lý để đảm bảo an toàn nhất cho các em cũng như bản thân”.

Tất bật đưa con từ quê về phố nhập học

Bên cạnh việc các trường tất bật chuẩn bị cho học sinh trở lại trường là câu chuyện những học sinh trở lại TP.HCM sau nhiều tháng liền tránh dịch ở quê.

Chị Nguyễn Thị Thơ có con đang học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TP.HCM). Thế nhưng con chị “mắc kẹt” ở tỉnh Quảng Ngãi gần 9 tháng nay. Chị Thơ chia sẻ: “Tôi là dân buôn bán.

Tháng cuối năm vào mùa nên rất bận rộn với hàng hóa nhưng không thể để con ở quê trong khi bạn bè đang học ở lớp. Cuối năm tiền mua vé máy bay đi lại cũng tăng nhưng thời gian gấp rút, tôi ráng thuê người trông coi hàng để về đưa con vào.

Tôi về đến quê là quay đầu đi luôn trong ngày. Tối nay con có mặt ở TP.HCM để kịp sáng mai đến trường”.

Cũng tất bật như bao phụ huynh khác, anh Hồ Trung Anh (quận 3) tranh thủ đón con từ nhà ông bà ở Vũng Tàu về TP.HCM để kịp nhập học trở lại tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3). “Tôi vừa đón con lên là ngày hôm sau TP có quyết định chính thức đi học lại.

Có những phụ huynh lớp con tôi không đồng ý cho con đi học trực tiếp vì gia đình có em bé chưa tiêm vắc xin và trường có dạy online cho những trường hợp học sinh không offline. Tôi cũng nghĩ hay mình cứ để con ở với ông bà, học online để khỏi cập rập.

Vì lên TP học có một tuần rồi thi, sau đó tôi lại phải mang con gửi về TP Vũng Tàu vì cuối năm tôi theo các dự án đi công tác thường xuyên, không có người chăm lo cơm nước cho con.

Thế nhưng, nghĩ lại tôi thấy con cần đến trường nên gạt hết công việc sang một bên để sắp xếp cho con được đi học trực tiếp”, anh Anh giãi bày.

hoc sinh

Học sinh lớp 7 Trường THCS & THPT Diên Hồng (quận 10, TP.HCM) được đến lớp tập huấn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước ngày đi học chính thức (ảnh chụp chiều 3-1) – Ảnh: NHẬT THỊNH

Oái oăm hơn là câu chuyện đón con của chị H.T.Lan (tỉnh Hà Tĩnh). Chị Lan phải về quê để đón con vào học lớp 10 ở một trường THPT dân lập tại quận 12.

Chị Lan kể: “Con tôi học nội trú. Giờ về quê đón con vào TP.HCM tôi vẫn tiếp tục đăng ký cho cháu học nội trú. Ngay sau hôm báo chí đăng tin chính xác ngày đi học lại, tôi ra ga mua vé tàu trong đêm đó để về quê.

Thế nhưng khổ nỗi về đến nhà thì hàng xóm có mấy ca nghi nhiễm COVID-19. Tôi ở lại khách sạn, đợi con 2 ngày mới có kết quả xét nghiệm PCR. Xong xuôi hết, hai mẹ con mới lên đường ra TP Vinh, tỉnh Nghệ An để bay vào TP.HCM. Cuối cùng hai mẹ con cũng về đến nhà, thở phào. Con đã sẵn sàng cho việc trở lại trường học…”.

Tương tự, vợ chồng anh Sơn ở Đà Nẵng cho con học ở một trường THPT dân lập tại quận Tân Bình đã đáp máy bay vào TP.HCM từ sáng sớm 3-1 để con kịp nhập học.

Anh Sơn kể: “Chúng tôi biết tin việc TP cho học sinh đi học trở lại khá trễ. Do đó ngày 2-1, vợ chồng tôi phải đặt vé máy bay gấp để đưa con vào TP và may mắn là vé cũng dễ mua. Mong dịch ổn để con được học trực tiếp dài dài…”.

Nhiều tỉnh thành cho học sinh đến trường

Tại Bình Phước, học sinh khối 11 và 12 đi học lại từ ngày 3-1 ở những địa bàn cấp độ dịch 1 và 2. Từ ngày 10-1, tỉnh dự kiến tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối lớp 7 đến khối 10 thuộc địa bàn dịch cấp độ 1 và 2.

Trong ngày 3-1, Tiền Giang cũng bắt đầu giảng dạy trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12.

TP Biên Hòa (Đồng Nai) thí điểm cho học sinh lớp 9 ở hai trường THCS Thống Nhất và THCS Nguyễn Văn Trỗi đi học lại từ 3-1. Đến 10-1, học sinh lớp 12 các trường phổ thông, khối 9 các trường THCS, khối 5 trường tiểu học và lớp lá các trường mầm non được đi học lại. Tới ngày 17-1, học sinh các trường THPT, THCS, tiểu học, mầm non ở Biên Hòa được đến trường học trực tiếp.

Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, học sinh toàn TP Vĩnh Yên đến trường từ ngày 3-1. Trước đó, học sinh lớp 9 và lớp 12 đã đến trường từ ngày 20-12-2021, sau đó từ lớp 6 đến lớp 11 học trực tiếp từ 27-12.

Tương tự, tỉnh Sóc Trăng dự kiến cho học sinh THPT học trực tiếp từ ngày 4-1 và THCS từ 10-1. Tại Trà Vinh, tỉnh đã triển khai thí điểm dạy, học trực tiếp cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 ở vùng cấp độ dịch 1 và 2 từ ngày 27-12-2021. Các lớp 7 đến 11 dự kiến có thể đi học trực tiếp từ 5-1.

Theo Báo Tuổi Trẻ