Đại dịch Covid-19 cùng nhiều yếu tố đã khiến nhiều sinh viên cảm thấy không còn hứng thú với chuyên ngành mình đang theo học.
Học không có mục đích, phương hướng từ ban đầu
Việc khó xác định được mục đích, mong muốn cá nhân ngay từ đầu dẫn đến việc nhiều sinh viên cảm thấy chán nản khi học sâu về chuyên ngành của mình.
Quang Huy, sinh viên năm 3 chuyên ngành Kinh tế bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ : “Bản thân mình lúc đầu không hề có ý định chọn ngành này. Nói đúng hơn là ngành học này chọn mình. Khi đăng ký nguyện vọng, mình vẫn chưa có định hướng rõ ràng, chưa tìm thấy đam mê tuyệt đối ở một lĩnh vực nào, nên hầu hết các ngành mình chọn xuất phát từ lời khuyên của gia đình, cũng như dựa trên những gì mình tìm hiểu được về tiềm năng của ngành đó trong tương lai. Có thể nói là theo trend!”.
Cùng quan điểm này, Hà Ngân, sinh viên năm 3 chuyên ngành Marketing của Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Có thể do nhiều bạn sinh viên chưa tham gia được các chương trình hướng nghiệp. Thiếu sự tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành học hoặc nghe theo lời khuyên của người lớn dẫn đến việc học một thời gian mới cảm thấy ngành học không phù hợp với mình. Điều này gây ảnh hưởng khá lớn đến quãng thời gian học chuyên ngành sau này của các bạn”.
Hà Ngân cũng cho biết: “Nhiều bạn cùng lớp mình không có phương hướng học tập, các bạn không quyết định hay thậm chí mang tính chất biết được mình sẽ làm gì sau khi ra trường, học như thế nào để đạt kết quả tốt nhất, nên học và nghiên cứu những gì thì phù hợp với xu thế thời đại và thời điểm hiện tại.
Họ cần có những người có trách nhiệm cho họ những phương hướng cụ thể hay nói cách khác họ cần có người phân tích cho họ thấy rằng họ đang học để làm gì, đã và chưa làm được những gì, nên học gì và làm gì trong thời điểm hiện tại.
Sinh viên thậm chí còn chưa hiểu đúng về chuyên ngành của mình học, chưa hiểu những gì mình học sẽ được áp dụng như thế nào trong tương lai, khi họ tốt nghiệp ra trường và đi làm”.
Dịch bệnh căng thẳng, học trực tuyến gây nhàm chán
Không thể phủ nhận rằng, việc học trực tuyến là giải pháp tối ưu cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng việc không thể đến trường lớp, gặp mặt trực tiếp bạn bè, thầy cô cũng khiến cho nhiều sinh viên mất dần hứng thú với chuyên ngành mình theo học.
Hà Ngân cũng cho rằng học trực tuyến làm hạn chế phương thức giảng dạy của thầy cô, khó có thể tạo ra các cuộc tranh luận trực tiếp như khi học offline, đồng thời thiếu sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên.
“Học trực tuyến còn khiến mình dễ bị xao nhãng bởi những việc khác như lướt facebook, chơi game, hoặc những sự cố mạng, mất điện có thể khiến quá trình học của mình bị ngắt quãng.
Ngoài ra, ngành học của mình yêu cầu làm bài tập nhóm khá nhiều. Thảo luận online cũng khiến việc họp kéo dài hơn và kém hiệu quả hơn so với gặp mặt trực tiếp”, Ngân nói.
Áp lực từ điểm số, áp lực bạn bè
Khi bước vào chuyên ngành, dần dần việc học không còn thú vị và nhàn hạ như lúc đầu. Áp lực điểm số, áp lực bài tập, việc đi thực tập, kiến tập khiến nhiều sinh viên nhận thấy bản thân không hợp với chuyên ngành mình đã chọn.
Cẩm Anh, sinh viên năm 3 của Học Viện Ngân Hàng chia sẻ: “Hiện tại cũng sắp hết năm thứ 3 đại học, nhưng trong khoảng 2-3 tháng trở lại đây, mình gặp không ít trở ngại trong việc học khi bắt đầu chuyển sang các môn chuyên ngành. Mình cảm thấy hiểu biết về môi trường quốc tế là tốt nhưng bản thân lại thấy khó tiếp thu được những kiến thức sâu xa hơn của ngành này, mọi thứ có phần khô khan hơn mình nghĩ”.
“Áp lực của chuyên ngành khiến mình cảm thấy khá căng thẳng. Bản thân mình là một người cầu toàn, năng động, muốn tiếp xúc những nền văn hóa phương Tây một cách phóng khoáng, thú vị hơn là việc nhiều kiến thức lý thuyết đến như vậy”, nữ sinh này bộc bạch.
Với Cẩm Anh, sau này nếu như có một hướng đi khác cho bạn thân cô nàng sẽ lựa chọn học đa ngôn ngữ hơn và mở trung tâm dạy ngôn ngữ hay trung tâm chuyên dịch thuật, đồng thời sẽ đi tiếp cận nhiều nền văn hóa của các nước để giúp bản thân mở mang tầm nhìn, kiến thức.
Bạn Thành Luân, hiện là sinh viên năm 3 ngành EBBA (ngành quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh) của Đại học Kinh tế Quốc Dân cho rằng, sự lặp lại kiến thức trong một số môn học cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh viên bị giảm hứng thú học tập và tập trung để tiếp thu kiến thức.
Có nên đổi chuyên ngành khác?
Đây vẫn luôn là một băn khoăn lớn của những sinh viên chán chuyên ngành mình theo học. Bạn Hà Ngân chia sẻ: “Hiện tại, mình vẫn đặt mục tiêu sẽ làm công việc theo đúng chuyên ngành mình đang học là Marketing. Tuy nhiên, nếu trong tương lai mình làm công việc khác chuyên ngành thì có thể là do mình cảm thấy mình không phù hợp với ngành hoặc không phát triển được thêm ở lĩnh vực này nữa.
Hoặc nếu mình tìm thấy một công việc khác mình yêu thích hơn mà vẫn có thể giúp mình có một cuộc sống tốt thì mình cũng sẽ cân nhắc đến việc làm cả 2 công việc hoặc chuyển hẳn sang lĩnh vực mới đó”.
Theo Hà Ngân, trước khi nghĩ đến chuyện học một ngành học khác thì hãy cố gắng tìm ra những điểm bạn ưa thích ở ngành học của mình để tiếp tục theo đuổi nó. Còn nếu không thể tiếp tục thì đừng ngần ngại thử những lĩnh vực mới để tìm ra được đúng đam mê của bản thân.
Bạn Thành Luân chia sẻ: “Trong quãng thời gian đại học chắc chắn đôi lúc chúng ta sẽ không khỏi tránh được sự mất hứng thú và tập trung trong học tập. Lời khuyên cũng như cách đối phó với tình trạng này của bản thân mình là thay đổi phương pháp học, tìm cách tiếp thu kiến thức không nhàm chán cũng như cách để thúc đẩy chính mình tự học hỏi và tìm tòi kiến thức tốt hơn”.
Theo Báo Dân Trí