Diễn giả Hoàng Anh Tú đã đem đến nhiều câu chuyện thú vị với gần 1.300 học sinh Trường THPT Hiệp Hòa số 4 (Bắc Giang)
Ngày 12/4, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phối hợp với Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Đến với Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4, Nhà văn – Nhà báo Hoàng Anh Tú đã chia sẻ những cảm xúc đặc biệt, những ấn tượng sâu sắc trước tinh thần nhiệt huyết và tràn đầy sức trẻ, tinh thần học hỏi của các em học sinh nơi đây.
Những câu chuyện về vấn đề khởi nghiệp, chọn nghề, định hướng cuộc sống tương lai của diễn giả Hoàng Anh Tú cũng đã giúp gần 1.300 học sinh của trường mở ra những góc nhìn mới, định hướng trong việc lựa chọn nghề nghiệp theo đuổi trong tương lai của các em.
Vị diễn giả cho biết, hiện nay nhiều quốc gia đã cho phép xe tự lái hoạt động trên những cung đường nhất định, có nhiều công cụ, phần mềm làm công việc phiên dịch/phiên dịch, Big Data và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế một luật sư làm công việc tư vấn, bào chữa một vụ án,… Trong khi đó, nhiều nhà máy được vận hành bằng những dây chuyền, robot hiện đại và không cần đến nhân công lao động.
Diễn giả Hoàng Anh Tú trao đổi tại buổi hội thảo. Ảnh: Trung Dũng |
Qua đó, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc học ngoại ngữ trong cuộc sống hiện đại. Học tiếng Anh không chỉ để lấy chứng chỉ, để đạt 8.0 IELTS mà học để các em có thể giao tiếp với người nước ngoài, có thể tự tin cho công việc tương lai.
Bên cạnh đó, các em cần quan tâm đến trí tuệ cảm xúc, học cách quản lý, kiểm soát cảm xúc, xây dựng chỉ số EQ bằng cách luôn kết nối, chia sẻ, trò chuyện, lắng nghe, giúp đỡ mọi người xung quanh.
Diễn giả Hoàng Anh Tú cũng gửi gắm đến các em cần có trách nhiệm số và ứng xử văn hóa, văn minh trên không gian mạng.
Trong buổi trò chuyện, Nhà văn Hoàng Anh Tú dành lời khen cho học sinh Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 khi có nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi, mặc dù thời tiết không “ủng hộ”, các em phải “đội” mưa tham gia buổi hội thảo nhưng toàn trường vẫn rất hào hứng.
Đồng thời, vị diễn giả cũng nhấn mạnh đến việc phát huy tinh thần làm việc nhóm, rèn luyện tư duy phản biện, bởi team work là một trong những từ khóa quan trọng để các em trở thành công dân toàn cầu.
“Với sự thay đổi chóng mặt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể khoảng 8 năm nữa, cuộc sống có thể thay đổi đến mức chúng ta chưa tưởng tượng được, và liệu đến lúc đó có cần đến công việc chân tay nữa hay không?
Học sinh lớp 12A4, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 chia sẻ những thắc mắc cùng vị diễn giả. Ảnh: Trung Dũng |
Thế hệ thầy cô, cha mẹ các em hôm nay đang hoài niệm về hình ảnh của bác đưa thư với chiếc xe đạp trên những nẻo đường. Nhưng những gì đang diễn ra, những công việc đang hiện hữu hôm nay cũng sẽ là hoài niệm của các em trong tương lai. Bởi cuộc sống đang thay đổi từng ngày.
Và khi đồng hành cùng chuỗi hội thảo do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, chúng tôi muốn có một sự đánh thức nhẹ nhàng đến các em, mong các em có những bước chuyển mình trong tư duy, nhận thức, chuẩn bị tâm thế, hành trang kiến thức để “nhập cuộc” vào dòng chảy của cuộc cách mạng này”, Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ.
Tại buổi hội thảo, em Oanh – học sinh lớp 12A4 nêu thắc mắc, dù cuộc sống hiện đại nhưng theo mô hình gia đình truyền thống, nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải chăm lo thật tốt cho gia đình. Vậy ngành nghề nào phù hợp với những người phụ nữ để họ có thể khẳng định vị thế của mình ngoài xã hội, vừa có thể vun vén chăm sóc gia đình?
Một số học sinh băn khoăn trong chuyện chọn trường, chọn nghề được diễn giả giải đáp, định hướng. Ảnh: Trung Dũng |
Là một người từng tham gia nhiều hoạt động về bình đẳng giới, diễn giả Hoàng Anh Tú cho rằng đây là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vị diễn giả khẳng định, nghề nghiệp thì không phân biệt giới tính và người phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành những người lãnh đạo tài năng.
“Chúng ta đang sống trong năm 2023, ở một xã hội hiện đại và định kiến về giới không nên tồn tại. Phụ nữ hoàn toàn có thể theo đuổi công việc mình yêu thích, đừng để những định kiến về giới trở thành rào cản và tự “đóng khung” mình vào những khuôn mẫu nhất định. Hãy trở thành người mà mình mong muốn.
Các em hãy thay đổi từ việc định hướng mình sẽ trở thành ai trong tương lai. Nếu không nỗ lực học tập, không xác định được con đường tương lai thì cuộc sống sau này của các em sẽ mờ nhạt và không có ý nghĩa. Lời khuyên dành cho các em là hãy là chính mình và sống một cuộc đời thật rực rỡ”, nhà văn Hoàng Anh Tú nêu quan điểm cùng học sinh Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 hào hứng, phấn khích chào đón vị diễn giả. Ảnh: Trung Dũng |
Cùng chung mong muốn được vị diễn giả giải đáp thắc mắc, em Trang – học sinh lớp 12A3 nêu câu hỏi, hiện nay, nhiều học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chọn những ngành học được miễn giảm học phí (như sư phạm, các khối ngành trường công an, quân đội) thì liệu có phải là lựa chọn đúng đắn?
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, trong một thế giới phẳng và chúng ta đang đứng trước muôn vàn cơ hội, chọn nghề cũng không nên phân biệt giàu, nghèo. Nếu chỉ vì lý do hoàn cảnh khó khăn mà chọn ngành học, trường học không phù hợp với mình, mình không yêu thích thì có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ mất 4 năm đại học quý giá.
Điều quan trọng là các em đã biết tìm kiếm cơ hội để được học tập và theo đuổi đam mê của mình? Hiện nay, các trường đại học đều có nhiều suất học bổng dành cho học sinh khó khăn học giỏi. Thậm chí các em cũng có cơ hội du học nước ngoài với những suất học bổng giá trị bao gồm học phí và sinh hoạt phí.
Gần 1.300 học sinh Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 “đội mưa” lắng nghe những chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú. Ảnh: Trung Dũng |
Vì vậy, bạn cần chuẩn bị hành trang thật tốt cho bản thân, từ kiến thức, ngoại ngữ,… để sẵn sàng đến với những cánh cửa tương lai đang rộng mở và chinh phục ước mơ của mình.
Nếu điều kiện gia đình không cho phép, chúng ta càng phải học thật giỏi và tìm kiếm nhiều cơ hội cho bản thân, vừa giúp giảm gánh nặng kinh tế gia đình, vừa kiên trì theo đuổi con đường ước mơ mình mong muốn.
Trước câu hỏi của một số học sinh về việc, nên chọn nghề mình yêu thích hay chọn nghề giúp kinh tế gia đình phát triển, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, sẽ rất khó để đưa ra lựa chọn, nhưng mong rằng các em có thể chọn công việc mình yêu thích và từ công việc đó để giải quyết được bài toán kinh tế cho gia đình, điều đó thể hiện các em vừa có trách nhiệm với bản thân, vừa có trách nhiệm với gia đình mình.
Tại buổi hội thảo, thầy Nguyễn Đức Thiệu – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 đánh giá cao những chia sẻ của diễn giả Hoàng Anh Tú, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức chương trình hội thảo, tạo không gian trao đổi, chia sẻ cùng học sinh về vấn đề chọn ngành, chọn nghề trước ngưỡng cửa tương lai.
Thầy Nguyễn Đức Thiệu – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 4 tặng hoa cho vị diễn giả vì đã mang đến một buổi trò chuyện đầy ý nghĩa. Ảnh: Trung Dũng |
“Ý nghĩa thực tiễn mà chương trình mang lại thực sự hơn cả một hội thảo. Hội thảo tạo điều kiện cập nhật xu thế 4.0, để học sinh toàn trường chọn nghề nghiệp vừa “hợp thời”, vừa đúng năng lực bản thân.
Những vấn đề hội thảo đưa ra thu hút quan tâm của học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên của trường. Những thắc mắc của một học sinh khi được nói lên có thể sẽ cũng là nỗi trăn trở của nhiều học sinh khác mà các em không dám giao lưu, đặt câu hỏi.
Bên cạnh được tiếp nhận thông tin cập nhật xu hướng chọn nghề trong thời đại số, hội thảo tạo cơ hội để các em trau dồi, rèn luyện khả năng tự tin trình bày quan điểm khi đứng trước đám đông”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa 4 nhấn mạnh.
Theo Báo Giáo dục