Huyền Chip đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 người có sức ảnh hưởng nhất lĩnh vực Khoa học Dữ liệu và Trí thông minh nhân tạo trên LinkedIn năm 2020.
LinkedIn News mới đây công bố danh sách những người có tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực Khoa học Dữ liệu và Trí Thông minh Nhân tạo (Data Science & AI) năm 2020.
Trong bối cảnh cả thế giới chấp nhận sống chung với dịch Covid-19, những nhân vật này đã có những quan điểm, theo Linkedln, giúp phân tích được sự thay đổi của toàn cầu, thay đổi để đạt được sự cân bằng cuối cùng.
Đáng chú ý, Huyền Chip xếp vị thứ 5, với những chia sẻ về cách áp dụng môn khoa học máy tính vào thực tế. Không chỉ dừng lại ở cách thức học thế nào để có hiệu quả, Huyền Chip cũng đưa ra 11 cách ưu tiên để có thể thực hiện hoá giấc mơ trở thành kỹ sư khoa học máy tính.
Không chỉ vậy, năm ngoái Huyền Chip cũng từng đứng đầu trong danh sách Top Voices của LinkedIn về một mảng khác là phát triển phần mềm.
Được biết, đây là một giải thưởng thường niên của LinkedIn có từ năm 2014, để vinh danh những tác giả, chuyên gia có nhiều đóng góp trong việc chia sẻ thông tin và thúc đẩy các cuộc thảo luận liên quan đến khoa học, công nghệ tại cộng đồng của mình.
Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, cựu học sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm 2014, Huyền Chip sang Mỹ du học tại Đại học Stanford, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính.
Cô từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Netflix, NVIDIA – một tập đoàn công nghệ đa quốc gia chuyên về phát triển bộ xử lý đồ họa (GPU) và công nghệ chipset cho các máy trạm, máy tính cá nhân, và các thiết bị di động. Cuối năm 2019, cô bất ngờ tuyên bố sẽ rời NVIDIA chỉ sau 1 năm gia nhập để khởi nghiệp công ty AI Snorkel.
Được biết, Huyền Chip dự định sẽ về trường cũ – Đại học Stanford – để dạy một khóa học mới có tên “Machine Learning Systems Design – Làm thế nào để có thể thiết kế, xây dựng, và triển khai chương trình trí tuệ nhân tạo vào trong đời sống thực” từ tháng 1/2021.
Một số bài giảng trực tuyến của Huyền Chip hiện đã được đăng tải trên kênh YouTube của Đại học Stanford.
Gần đây, Huyền Chip còn vui vẻ chia sẻ lại khoảnh khắc được tỷ phú Elon Musk để ý và bình luận dưới bài viết của mình.
Trước đó vào năm 2017, tại buổi thuyết trình về “Đào tạo khoa học máy tính: những bài học từ Thung lũng Silicon” tại sự kiện Ngày thứ Tư Công nghệ do Cốc Cốc tổ chức, Huyền Chip nhấn mạnh về tầm quan trọng cả bối cảnh hiện tại lẫn trong tương lai của ngành khoa học máy tính.
Huyền Chip cho hay: “Khoa học máy tính (CS) tại Hoa Kỳ được coi là một trong những môn học quan trọng hàng đầu. Tại ĐH Stanford có đến trên 90% sinh viên ở tất cả các ngành khác nhau đều theo học một môn CS nào đó”.
Không chỉ sinh viên mới nhận thức được điều này mà ngay cả các bậc phụ huynh tại Hoa Kỳ cũng cho rằng CS ít nhất cũng phải là một môn học cần có như toán, khoa học, lịch sử.
Trong khi đó ở Việt Nam, học sinh và các bậc phụ huynh dường ít quan tâm đến tin học vì nó không nằm trong chương trình tuyển sinh đại học. Khảo sát nhanh của Cốc Cốc cho thấy có 34,37% sinh viên cho rằng CS không quan trọng.
“Đây là một quan niệm cần được thay đổi vì thực tế ngày nay bất cứ chuyên ngành nào từ vật lý đến văn chương đều cần đến những kiến thức về khoa học máy tính”, Huyền nhấn mạnh.
Cô đã chỉ ra một thực tế rằng: “Tại Silicon Valley, rất nhiều loại xe tự lái đang được thử nghiệm. Bạn có thể thấy chúng trên đường hàng ngày. Có lẽ chỉ vài năm nữa thôi việc các lái xe truyền thống sẽ bị thay thế bởi xe không người lái. Tương tự nghề phiên dịch sẽ khó tồn tại khi mà các máy dịch tự động ngày càng trở nên thông minh hơn.
Nếu không nắm bắt được xu hướng, rất có thể chúng ta sẽ tụt hậu rất sâu về phía sau hoặc đưa ra những lựa chọn sai lầm về nghề nghiệp. Và đã đến lúc Việt nam không thể “tảng lờ” môn tin học được nữa”.
Bằng những kinh nghiệp thực tế trong quá trình học tập, giảng dạy cũng như quá trình làm việc tại thung lũng Silicon, cô khẳng định bất cứ ai cũng nên tìm hiểu về Khoa học máy tính bởi những hiểu biết về nó sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho dù chuyên ngành chính của bạn là gì.
Theo Báo Dân Trí