2h đêm, Nghĩa lao ra khỏi quán bar nơi cậu làm thêm, cạnh quốc lộ, ước mình dám bước thêm một bước nữa, đủ kết thúc cuộc đời.
Năm 2015, Lê Trọng Nghĩa sang Fukuoka, phía nam Nhật Bản, du học tự túc, chuyên ngành kinh tế. Mọi thứ đều ổn cho đến năm thứ ba. Tuy được gia đình hỗ trợ tài chính, Nghĩa vẫn phải làm thêm để trang trải cuộc sống trong khi chương trình học ngày càng nặng.
Nghĩa phục vụ ở một quán nhậu, tuần năm ngày, mỗi ngày 9 tiếng, từ 18h đến 4h sáng, chỉ được giải lao ăn cơm 10 phút lúc 12h đêm. “Quán nhậu ấy nằm trong phố đèn đỏ. Tôi về muộn hơn cả các chị gái ‘bán hoa'”, cậu kể. Mức lương 850 yen/giờ vừa đủ giúp Nghĩa trả các chi phí.
Mỗi ngày, cậu ngủ khoảng 4 tiếng, hay mơ bị chủ quán chửi mắng. Ngủ quá ít, Nghĩa luôn thấy kiệt sức mỗi lúc lên giảng đường. Trên những chuyến xe bus đông nghẹt, ý nghĩ chấm dứt cuộc đời nhen nhóm.
Sau bốn tháng ở quán nhậu, Nghĩa sang làm pha chế cho quán bar, tuần hai buổi, mỗi buổi 7 tiếng. Công việc mới đòi hỏi trò chuyện với khách khiến chàng trai lúng túng vì chưa giỏi tiếng Nhật. “Đáng sợ nhất là ông chủ luôn luôn đứng phía sau quan sát và ra lệnh, thấy không ổn sẽ tiến đến ghé tai mắng: ‘Dùng cái đầu đi chứ'”, Nghĩa thuật lại.
Từ một sinh viên cởi mở, năng nổ, Nghĩa khép mình dần, sống “như robot”, cảm giác “bị mắc kẹt”. Thời gian này, cậu trượt ba môn học. Muốn giải tỏa tinh thần, Nghĩa hút thuốc, xăm kín nửa lưng và tập kickboxing để cho người ta đánh mình nhừ tử. Vài lần, thấy tàu điện đang tới, cậu nghĩ: “Hay là kết thúc ở đây”.
Nghĩa không phải trường hợp du học tự túc duy nhất ở Nhật bị khủng hoảng bởi áp lực tài chính.
Nguyễn Lan Chi (sinh năm 1995, quê Hà Nội) sang thành phố Chiba, cách Tokyo 40 km, sau khi bỏ ngang đại học ở Hà Nội. Giỏi ngoại ngữ, lại tin rằng Nhật là nơi dễ kiếm việc làm thêm, cô chắc chắn mình sẽ tự xoay sở được mà không phiền tới bố mẹ. Đến nơi, Chi hiểu ra mọi chuyện khó khăn hơn nhiều.
Chi nhận hỗ trợ từ gia đình trong hai tháng đầu tiên, mỗi tháng 5 triệu đồng. Để đủ tiền học và sinh hoạt, cô làm cùng lúc hai chỗ: một quán nhậu và một siêu thị nhỏ, tổng cộng 45 tiếng mỗi tuần, thường từ chiều đến khuya. Lắm hôm, về mệt, Chi nằm trằn trọc nhìn trần nhà, tự hỏi: “Mình sang đây để làm gì”.
Hết hai năm học tiếng, Chi vào một trường vẽ, học phí 1,3 triệu yên (279 triệu đồng) mỗi năm. Áp lực tài chính tăng lên, một ngày của Chi bắt đầu từ 6 h sáng và kết thúc lúc 1-2 h đêm. “Trên đường đạp xe từ ga tàu về, tôi hay nghĩ giờ bị xe tải tông thì tốt”, cô nói.
Chẳng có thời gian luyện vẽ, Chi nhận thấy bản thân không tiến bộ như các bạn cùng lớp. Chưa kể, cô nghỉ học nhiều vì ngủ quên, điểm chuyên cần ở mức đáng báo động đến nỗi nhà trường mời lên nói chuyện.
Lan Chi ước tính 99% bạn bè cô ở Nhật làm thêm để chi trả cuộc sống, nhiều người mải làm quên học.
Chung nhận định này, Trần Hoài Phong, 23 tuổi, sinh viên ngành thời trang đã 3 năm ở Tokyo, chia sẻ: “Ai sang Nhật cũng phải tìm cách kiếm thêm. Có người nhận ba công việc, mỗi tuần đi làm 60 tiếng”.
Dù không quá suy sụp như Nghĩa và Chi, Phong vẫn đuối sức khi vừa phải đảm bảo số buổi lên lớp vừa bán hàng quần áo 23 tiếng một tuần. Theo cô, nếu muốn yên tâm tập trung học, du học sinh cần được gia đình chu cấp 400-500 triệu đồng mỗi năm.
Phần lớn du học sinh Việt sang Nhật phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Ảnh: Nikkei. |
Một trung tâm du học Nhật ở Hà Nội mới đây tiết lộ cứ 10 gia đình cho con đi Nhật thì đến 6 nhà có tài chính hạn chế, và số sinh viên đó đều phải đi làm thêm.
Trên tờ Nikkei năm 2017, ông Hiroyuki Ogawa, Ủy viên thường trực Hiệp hội Việt Nam – Nhật Bản từng cho biết số du học sinh Việt làm thêm ở Nhật đang tăng mạnh. Các công việc phổ biến là phụ bếp, phục vụ bàn vì không yêu cầu trình độ ngoại ngữ cao. Tại một số chuỗi cửa hàng ăn, du học sinh Việt trở thành lực lượng lao động chính. Theo ông Ogawa, thu nhập của người Việt thấp nên phần lớn du học sinh không thể chỉ dựa vào tiền gia đình chi trả.
“Nhiều phụ huynh thấy con cháu gửi tiền về thì nghĩ rằng đi Nhật dễ kiếm tiền mà không biết họ phải đánh đổi những gì. Hơn nữa, một số trung tâm không trung thực, tô vẽ cuộc sống ở Nhật là màu hồng”, bà Đỗ Mai Chi, chuyên viên tư vấn du học tại Hà Nội cho biết.
Theo bà Chi, chi phí du học Nhật (bao gồm tiền học và sinh hoạt) khoảng 400 triệu đồng một năm. Nếu không được gia đình hỗ trợ, du học sinh không còn cách nào ngoài lén làm quá giờ. Trường hợp bị phát hiện sẽ phải về nước.
“Thường du học sinh làm 28 tiếng/tuần theo đúng quy định của Nhật kiếm được hơn 110.000 yen, tương đương 24 triệu đồng mỗi tháng. Ở Việt Nam, số tiền này khá lớn nhưng ở Nhật thì chỉ vừa đủ cho một người sinh hoạt”, bác sĩ Phạm Nguyên Quân, đã sang Osaka gần 4 năm, nói.
Đầu năm nay, Nghĩa tốt nghiệp đại học và trở về Việt Nam. Cậu tự nhận may mắn vì kịp nhìn ra khủng hoảng của bản thân. Thay vì cố bám lấy công việc ở quán bar, Nghĩa mạnh dạn nghỉ việc, sống nhờ bạn bè để tập trung học và hồi phục sức khỏe. Hai tuần sau, cậu được người quen giới thiệu vào một bệnh viện làm rửa bát. Thu nhập ít hơn trước nhưng bù lại thoát khỏi căng thẳng.
Hiện nay, ngoài việc dạy tiếng Nhật, Nghĩa làm tình nguyện viên cho một tổ chức về sức khỏe tinh thần. Cậu nhắn nhủ các du học sinh: “Cái gì cũng có giá của nó, du học không phải sung sướng. Ngoài tài chính, phải chuẩn bị tinh thần thật tốt, trang bị kỹ năng mềm và xác định rõ mình đi học hay đi làm. Nếu đi học thì phải ngừng làm ngay khi thấy điểm số bị ảnh hưởng”.
Trong khi đó, Chi ở lại Nhật, loay hoay tìm hướng đi. Cô không dám chia sẻ khó khăn với gia đình vì sợ họ lo lắng. Chi hiểu mình phải thay đổi nhưng chẳng biết cách nào.
“Đi làm thì không có thời gian học, chỉ đi học thì lấy đâu ra tiền trang trải. Đó là cái vòng luẩn quẩn”, Chi trải lòng. “Ước gì nhà tôi thật nhiều tiền để đỡ phải lo toan”.
“Cuộc sống ở Nhật chỉ phù hợp với người có điều kiện tài chính hoặc người lạc quan, ý chí mạnh mẽ”, bà Chi nhấn mạnh.
*Tên các nhân vật đã được thay đổi