Một người là thủ khoa đại học khối A với số điểm 29,5, một người đạt giải nhất HSG Quốc gia môn Hóa học. Họ đã có những bí quyết gì?
Đạt 29,5 điểm cho 3 môn Toán – Lý – Hóa (Trong đó Toán: 9,75, Lý: 9,5, Hóa:10), Phạm Đức Toàn (Nghệ An) trở thành thủ khoa Đại học Ngoại thương Hà Nội và thủ khoa khối A cả nước trong kì thi Đại học năm 2014.
Phạm Đức Toàn đã có những lời khuyên bổ ích và chân thành cho những sĩ tử sắp bước vào kì thi quan trọng sắp tới.
Thứ nhất, về kế hoạch học tập, các bạn nên theo dõi và biết chính xác thời điểm mình sẽ tới phòng thi trong kì thi đại học, và trước đó 1 tháng, hoặc là ngay bây giờ, lên một kế hoạch ăn ngủ thật điều độ và khoa học. Các bạn lập kế hoạch cho thời gian biểu của mình sao cho tương thích với khoảng thời gian dự thi, để phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Cách ôn tập môn Toán, trong thời gian này, cần học và nắm chắc kiến thức. Nên thường xuyên trình bày hoàn chỉnh một đề toán (2 – 4 ngày 1 lần, cũng như chú ý rằng, lúc các bạn trình bày, hãy tính thời gian và trình bày bài làm y như mình đang thi thật); ngoài ra các đề khác có thể làm, tính ra kết quả và không trình bày, hoặc với một số bài thì chỉ cần biết hướng làm.
Với môn Lý, thường xuyên làm đề sẽ hoàn thiện kiến thức cho các bạn, giúp các bạn có phản xạ làm bài, làm bài với tốc độ và độ chính xác cao nhất. Phần lý thuyết của Vật lý chủ yếu là không khó, nắm vững kiến thức các bạn sẽ có thể đạt điểm tối đa.
Phần bài tập, các bạn nên viết ra những công thức mình gặp trong thời gian ôn thi, công thức giải nhanh ra một tờ giấy riêng, và thường xuyên ôn lại, nhớ cách làm và dạng làm để sau này không bị bỡ ngỡ và tăng tốc độ làm bài. Cũng như Toán, nếu gặp các bài tập Vật lý quen thì bạn có thể chỉ làm bài khó, nhưng nên tính thời gian đúng 90 phút và thúc ép mình làm bài, y như đang đi thi.
Một “cao nhân” khác là Trương Đình Thống, hiện là sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Y Hà Nội. Xét riêng môn Hóa học, cậu bạn sở hữu bảng thành tích khiến nhiều người ngưỡng mộ: cựu học sinh chuyên Hóa trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, giải nhất HSG tỉnh Nghệ An môn Hóa học năm 2012, giải nhất HSG Quốc gia môn Hóa học năm 2012, đậu ĐH Y Hà Nội với số điểm 28, trong đó Hóa đạt 9,5 điểm.
Trường Đình Thống nói: “Hóa học ở chương trình THPT có hai phần chính: Hóa vô cơ và Hóa hữu cơ. Một điều gây khó khăn cho các bạn khi học môn Hóa là lớp 11 học một nửa hữu cơ, một nửa vô cơ và lớp 12 cũng thế. Do đó, nếu không biết cách xâu chuỗi kiến thức, các bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái mất định hướng, hoang mang. Vì vậy, mình muốn khuyên các bạn rằng, khi thầy cô dạy các bạn chương trình Hóa lớp 12, các bạn phải ngay lập tức xem lại phần kiến thức liên quan ở lớp 11”.
Cậu bạn cũng chia sẻ kinh nghiệm ôn thi môn Hóa học: Mình lấy ví dụ, bài Acid amin ở lớp 12 liên quan đến bài Amin và bài Axit cacboxylic ở lớp 11; chương kim loại của 12 lại liên quan đến chương điện hóa của 11 và chương phản ứng oxi hóa khử của lớp 10, hay bài Este ở lớp 12 liên quan đến bài Ancol và bài Axit cacboxylic ở lớp 11; bài Cacbohidrat ở lớp 12 liên quan đến bài Ancol, Andehit ở lớp 11; bài hợp chất chứa Natri (NaOH, Na2CO3…) ở lớp 12 liên quan đến bài phản ứng trao đổi Ion ở lớp 11.
Mình cho rằng, dù hóa vô cơ hay hữu cơ, nội dung xuyên suốt cần được chú trọng của môn Hóa học nằm trong hóa điều chế và hóa tính. Do vậy, cần nắm thật vững kiến thức liên quan đến 2 phần này rồi sau đó mới bắt đầu hệ thống lại các bài học.
Riêng đối với phần Hóa học hữu cơ, để dễ nhớ tính chất của các chất, các bạn nên bắt đầu từ cấu tạo của hợp chất hữu cơ đó. Ví dụ, các acid amin trong công thức hóa học của nó vừa có nhóm acid -COOH vừa có nhóm amin -NH2 nên nó sẽ vừa có tính chất giống acid, vừa có tính chất giống nhóm amin. Và đương nhiên nó có các tính chất đặc trưng vì có ảnh hưởng qua lại của hai nhóm này.
Tương tự với phenol, trong công thức hóa học của nó vừa có vòng benzen, vừa có nhóm OH nên nó sẽ vừa có tính chất giống benzen, vừa có tính chất đặc trưng vì có ảnh hưởng qua lại giữa hai nhóm.