Linh hoạt hướng nghiệp, tuyển sinh mùa dịch

0
854

Để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trong năm 2022 của ngành giáo dục có nhiều thay đổi so với những năm trước. Sẽ không còn hình ảnh các đoàn cán bộ, giảng viên đến từng trường tư vấn; không còn các chương trình tư vấn tập trung hàng ngàn thí sinh, phụ huynh, trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tham dự… 

Tư vấn, hướng nghiệp trực tuyến 

Mới đây, ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức hội nghị về công tác hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh năm 2022. Đại diện các trường thành viên đều cho rằng, để thích ứng với tình hình dịch Covid-19, công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh phải có sự thay đổi linh hoạt, dịch chuyển cách đưa thông tin. Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi cách thức truyền tải nội dung, sử dụng công nghệ mới để đưa thông tin online một cách đa diện, nhiều chiều, tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận đến người học, người cần, cộng đồng xã hội.

Đại diện các trường thành viên cũng nhấn mạnh, việc phát triển, đẩy mạnh truyền thông về hình ảnh ĐH Quốc gia TPHCM, như làm thêm clip giới thiệu trường, cập nhật thông tin về website trường, ngành học… là rất cần thiết. Đặc biệt là chuyển trọng tâm qua tư vấn tuyển sinh trực tuyến, phối hợp chặt chẽ với các trường chuyên để có thí sinh đầu vào chất lượng cao, mở thêm nhiều chương trình đại sứ tư vấn như mời thêm sinh viên, cựu sinh viên tư vấn cho học sinh. Cùng với đó, công tác tư vấn phải thể hiện được cam kết của mình với người học, không chỉ dừng lại lời hứa mà phải minh chứng bằng chất lượng đầu vào, chất lượng quá trình đào tạo và cả chất lượng đầu ra.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH, CĐ khác cũng nhanh chóng chuyển đổi công tác tư vấn tuyển sinh bằng cách đầu tư các trang thiết bị để chuyển sang tư vấn trực tuyến. Nhiều trường như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM, CĐ Quốc tế TPHCM, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… đã đầu tư xây dựng phòng studio tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, các tổ chức tư vấn hướng nghiệp, trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với trường THPT, THCS ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh. Các đơn vị đã đầu tư mạnh cho đường truyền kết nối và hiện nay thực hiện hầu hết qua ứng dụng zoom, google meet, lập phòng tư vấn online, đèn chiếu, máy quay phim, thiết lập công cụ livestream, chat trên website, hệ thống hotline để hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn lựa chọn ngành nghề, chọn trường. Do đó, hình thức tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh online đã có cơ hội phát huy lợi thế, đáp ứng yêu cầu hướng nghiệp trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Chú trọng đến chất lượng

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, công tác hướng nghiệp là lâu dài và luôn rất cần thiết, tạo tiền đề cho người học sớm xác định một hướng đi cho cuộc sống sau này, tức là giúp học sinh chủ động chọn nghề để học và việc làm ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. Để công tác này đạt hiệu quả, cần làm tốt công tác quản lý, gắn kết giữa các bên liên quan trong công tác phân luồng và hướng nghiệp. Dù các chủ trương, chính sách phân luồng, hướng nghiệp đã có và liên tục điều chỉnh, song hiện nay, sự rời rạc trong phối hợp hoạt động khiến công tác này chuyển biến chậm, hiệu quả chưa cao.

Về công tác tư vấn tuyển sinh, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng, việc hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh hiện nay đang nở rộ nhưng phần lớn mới chỉ tập trung tự giới thiệu về trường nhiều hơn là định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho người học. Thậm chí có trường mời các “chuyên gia tự xưng” mà chính họ không biết gì về bản chất của hướng nghiệp cũng như chương trình đào tạo ở các trường. Thí sinh vào nghe những “chuyên gia” kiểu này không chỉ mất thời gian mà còn rất mơ hồ, thậm chí rất mông lung và ảo tưởng về ngành nghề mình đã được tư vấn. Do đó, những chuyên gia tư vấn phải là những giảng viên ở các trường thì mới am hiểu và tư vấn những đặc thù, yêu cầu công việc cũng như những kiến thức, kỹ năng cần có của người học khi theo đuổi một ngành nghề nào đó.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nhấn mạnh, công tác hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở việc học sinh chọn ngành, chọn nghề, chọn trường để học sau khi tốt nghiệp THPT, mà còn phải được tiếp tục định hướng tại các cơ sở giáo dục ĐH hoặc giáo dục nghề nghiệp. Việc thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên là “chìa khóa” nâng cao chất lượng đào tạo. Để hướng nghiệp tốt cần phải có được giải pháp toàn diện hơn. Phải thực hiện thường xuyên, liên tục và giúp giải quyết nhu cầu của từng cá nhân. Các cơ sở đào tạo, Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH, trường THPT, THCS cũng như các địa phương nên phối hợp để xác định kênh hướng nghiệp, tuyển sinh uy tín để giúp học sinh xác định được sở thích, năng lực cá nhân ở từng ngành nghề. Quan trọng nhất là cả học sinh, phụ huynh và giáo viên cần được cung cấp thông tin về nhu cầu của thị trường lao động trong tương lai, để giúp học sinh có thể đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Theo TS Lê Thị Thanh Mai, để công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh đạt hiệu quả, trước hết phải có những chuyên gia thực thụ. Họ phải là những người am hiểu về nghề nghiệp, giáo dục và được tập huấn, đào tạo. Hiện nay, chúng ta thừa người làm công tác tư vấn theo bản năng hay kinh nghiệm hơn là những chuyên gia đúng nghĩa. Do đó, cần chuẩn hóa đội ngũ tư vấn để truyền thông điệp chung theo đúng chủ trương, chính sách, đúng nội dung mà học sinh, phụ huynh và các trường THPT kỳ vọng. Đồng thời, nên có khảo sát nhu cầu nghề nghiệp, sức học của học sinh và phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tổ chức hiệu quả, bài bản từ lớp 10 đến lớp 12.

Theo Báo SGGP