Tránh học tủ, học lệch
Với 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan của môn Giáo dục công dân (GDCD), mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời và có duy nhất 1 phương án trả lời đúng. Xét tổng thể trong đề thi minh họa có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Đề thi này đòi hỏi muốn đạt mục tiêu vào ĐH, CĐ, học sinh phải nắm thật chắc kiến thức, đặc biệt là kiến thức để làm những câu hỏi dạng phân hóa.
Theo nhiều giáo viên với cách ra đề môn GDCD như đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy, cách học. Bởi nội dung đề thi trắc nghiệm nằm trong tất cả các bài học ở chương trình lớp 12 “Công dân với pháp luật”. Nếu học tủ, học lệch, coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt.
Cụ thể, giáo viên và học sinh sẽ phải đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng tích cực hơn: Vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi mới giải quyết được 40% câu hỏi vận dụng. Trong quá trình học, các em cần hình thành các năng lực tư duy phê phán, năng lực phân tích – tổng hợp, năng lực nhận xét đánh giá, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực hiện trách nhiệm công dân… phù hợp với yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Hiểu vấn đề và biết cách vận dụng
Theo một chuyên gia giáo dục đánh giá, đề thi minh họa của Bộ công bố tuy hay nhưng tính vận dụng còn hạn chế. Vì thế, cần có thêm những câu hỏi xuất phát từ tình huống thực tế vào đề thi cho học sinh. Có như vậy mới góp phần thay đổi triệt để cách dạy và học môn này, giúp học sinh học không chỉ để thi mà còn vận dụng được trong thực tiễn cuộc sống.
Để làm tốt bài thi môn GDCD, trước hết phải nắm vững kiến thức nền của sách giáo khoa, chú trọng vào những nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống, những vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân. Một giáo viên cho rằng, không nhất thiết các em phải thuộc lòng từng khái niệm trong sách giáo khoa, chỉ cần hiểu vấn đề và biết cách vận dụng thì sẽ làm bài tốt. Về phương pháp, học sinh cần lưu ý đọc kỹ câu hỏi, vì thường những câu hỏi phân hóa sẽ rơi vào trường hợp xử lý tình huống và giữa các đáp án thường không khác biệt nhau nhiều. Nếu chỉ đọc lướt qua, có thể học sinh phạm phải sai lầm không đáng có.
Tuy nhiên, các em cần chú ý là không nhất thiết phải học thuộc tất cả vì thực tế không thể ghi nhớ hết được các điều luật, hiến pháp. Nhiều giáo viên đã chỉ ra một số “mẹo” cho thí sinh, như: đối với những câu hỏi tình huống nếu không biết cách xử trí thì các em hãy xử sự bằng góc độ đạo đức. Pháp luật có nền tảng từ đạo đức, nhiều người làm đúng theo pháp luật không phải vì họ thực sự am hiểu pháp luật mà là vì hành vi của họ phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Hãy đặt mình vào vị trí của người bị hại, thông thường phương án đúng là phương án phù hợp với số đông xã hội đồng tình.
Các em nên đọc nhiều thông tin trên sách báo để hỗ trợ kiến thức pháp luật còn hổng. Trong đó, nắm chắc các kiến thức về hình thức sử dụng pháp luật với các nhóm như: Làm được, phải làm và không được làm. Nắm vững và nhấn mạnh vào những cụm từ quan trọng, ví dụ như nói đến vi phạm pháp luật thì có rất nhiều hình thức vi phạm, đơn cử như vi phạm hành chính, vi phạm dân sự… để tránh nhầm lẫn các đáp án./.
VOV