‘Mẹo’ học và làm tốt bài thi môn giáo dục công dân

0
2643

Có lẽ trong tất cả các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, giáo dục công dân (GDCD) là môn thi khiến nhiều giáo viên và học sinh hoang mang nhất.

Hoang mang vì lần đầu tiên môn này được đưa vào kỳ thi này, hoang mang vì thi trắc nghiệm, hoang mang vì học luật khó… Vậy phải làm thế nào khi kì thi cũng không còn bao xa?

Dựa trên đề thi minh họa năm 2017 của Bộ GD-ĐT, tôi xin gợi ý một vài bí quyết để học và làm tốt bài thi môn GDCD để các em tham khảo.

Thứ nhất, nắm vững kiến thức SGK

Việc nắm vững kiến thức trong SGK giúp các em dễ dàng đạt mức 5 điểm. Với 10 bài trong SGK, khối lượng kiến thức không quá nhiều. Với thời lượng 1 tiết/tuần, các em hoàn toàn có thể nắm vững kiến thức cơ bản.

Ở trên lớp các em chỉ cần chú ý nghe giảng, ghi chép và gạch sách các ý cơ bản, chú ý các ví dụ minh họa của giáo viên và lấy được các ví dụ tương tự để vận dụng phần lý thuyết.

Chẳng hạn, với câu 1 trong đề thi minh họa: Một trong các đặc trưng cơ bản của pháp luật thể hiện ở…? Với câu hỏi này, trong quá trình học các em đã được giáo viên phân tích khái niệm và nhấn mạnh yếu tố tính quyền lực (vì pháp luật do nhà nước ban hành) và tính bắt buộc chung (ai cũng phải xử sự theo pháp luật).

Khi nắm vững lý thuyết thì đọc đáp án lên các em dễ dàng nhận ra đáp án đúng mà không lo đáp án nhiễu.

Ngoài ra, các em nên dành thời gian xử lý các bài tập trong sách vì các bài tập đó đều rất sát với bài học, tính thực tế khá cao, ví dụ, bài tập 8 của bài 4 Quyền bình đẳng của công dân trong 1 số lĩnh vực của đời sống xã hội. Làm xong bài 8.1 và 8.2 các em sẽ hiểu và phân biệt được thế nào là bình đẳng/ bất bình đẳng trong hôn nhân, trong gia đình.

Thứ hai, học – hiểu

Học luật, hiểu là rất quan trọng. Nếu các em chỉ học thuộc mà không hiểu thì khi gặp đáp án nhiễu tương tự đáp án đúng các em sẽ dễ đánh nhầm đáp án hoặc rất mất thời gian phân biệt.

Chẳng hạn, câu 15 trong đề minh họa: Khi yêu cầu vợ mình phải nghỉ việc để chăm sóc gia đình, anh A đã vi phạm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ… ? Với câu hỏi này, các em phải xác định ngay, vợ chồng chỉ có hai mối quan hệ chính được pháp luật thừa nhận và can thiệp là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.

Như vậy, các em loại ngay đáp án D là “tình cảm”. Đáp án B và C, tài sản chung, tài sản riêng na ná nhau, không thể đúng cả hai nên có thể loại trừ luôn, chỉ còn đáp án A.

Ngoài ra, để chắc chắn, các em cũng cần nắm rõ trong quan hệ nhân thân, vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt. Như vậy, việc hiểu bài giúp các em tự tin trong việc lựa chọn đáp án đúng.

Thứ ba, vận dụng linh hoạt trong xử lí tình huống

Có thể nói, học luật là để HS hiểu và vận dụng luật vào trong cuộc sống. Do đó, các tình huống thực tế được báo chí đưa tin thường được GV lấy làm ví dụ minh họa cho bài giảng của mình. Trong quá trình học, các em nên chú ý các ví dụ này để biết được GV đã vận dụng luật để giải quyết tình huống như thế nào.

Chẳng hạn, câu 25 trong đề minh họa: B và T là bạn thân, học cùng lớp với nhau. Khi giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn, T đã tung tin xấu, bịa đặt về B trên facebook. Nếu là bạn học cùng lớp của T và B, em sẽ lựa chọn cách ứng xử nào sau đây cho phù hợp với quy định của pháp luật?

Có thể nói, trên thực tế, tình huống này không hiếm, và đã có không ít hệ quả đáng tiếc từ những mâu thuẫn trên facebook mà do chính những người dùng facebook cố tình hoặc vô tình gây ra. Các đáp án như C – Khuyên B nói xấu lại T trên facebook hoặc D – Chia sẻ thông tin đó trên facebook là khá phổ biến.

Tuy nhiên, từ chìa khóa ở đây là ‘‘lựa chọn cách ứng xử… cho phù hợp với quy định của pháp luật’’ và dĩ nhiên chỉ có đáp án B là phù hợp pháp luật.

Các lỗi có thể mắc phải 

Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa môn GDCD vào kỳ thi THPT quốc gia  nên chưa có thống kê các lỗi thí sinh hay mắc khi thi nhưng trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy các em dễ phạm các lỗi sau đây:

Thứ nhất, các em đọc không kĩ đề, không xác định được ‘‘từ chìa khóa’’ trong câu hỏi. Chẳng hạn, với câu hỏi: Mục đích của tính qui phạm phổ biến là gì?

Đáp án: A. Vì pháp luật được áp dụng nhiều lần, nhiều nơi, đối với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực/ B. Tạo nên tính công bằng, bình đẳng vì bất kì ai ở trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định cũng phải xử sự theo khuôn mẫu được pháp luật qui định/ C. Vì pháp luật được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực của nhà nước/ D. Tất cả các đáp án đều đúng.

Với câu hỏi này, nếu đọc sơ sài các em sẽ nhầm với câu Tính qui phạm phổ biến của pháp luật có nghĩa là gì? Nếu là câu hỏi này thì đáp án là câu A. Nhưng ở câu phía trên thì đề hỏi là Mục đích, do đó, đáp án là câu B.

Rõ ràng, chỉ thay đổi một từ để hỏi là đã thay đổi toàn bộ đáp án, do đó, các em cần đọc kĩ đề, xác định đúng vấn đề được hỏi để không bị nhầm đáp án.

Thứ hai, dừng quá lâu ở một câu. Với thời lượng 50 phút 40 câu, bình quân mỗi câu chỉ được làm trong 1 phút, 10 phút còn lại để tô đáp án, kiểm tra sai sót…Do đó, nếu dừng lại quá lâu ở một câu sẽ không có thời gian làm các câu khác.

Vì vậy, khi làm bài, các em lưu ý, đối với các câu hỏi khó, khi đọc lên không có một chút hiểu biết nào thì phải bỏ qua. Câu nào cả 4 đáp án đều thấy ‘‘hình như đúng’’ cũng bỏ qua, đánh dấu bên lề để sau đó quay lại. Các câu nắm chắc kiến thức, chắc đáp án sẽ làm trước, rồi đến các câu loại suy và các câu tình huống.

Để làm bài thi được điểm 5 không quá khó nhưng để đạt điểm 8,9 học sinh cần nỗ lực rất nhiều, không chỉ nắm vững kiến thức, hiểu, vận dụng linh hoạt, các em còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lí các câu hỏi một cách hợp lí nhất để dành được số điểm tối đa.

Tuổi trẻ