Theo các thầy cô trong tổ Tư vấn tuyển sinh của trung tâm Anpha, đối với môn Ngữ văn, để làm tốt dạng bài nghị luận xã hội, học sinh cần vận dụng thao tác cơ bản của bài văn nghị luận (như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ…).
Cùng với đó, học sinh cũng phải trang bị cho mình kiến thức về đời sống xã hội để liên tưởng đến bản thân, xã hội và những vấn đề liên quan.
Để đạt được điểm cao, trong bài viết cần có dẫn chứng thực tế. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng các dẫn chứng. Dẫn chứng cốt làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đó, từ dẫn chứng học sinh đi vào so sánh, đánh giá, bàn luận, rút ra bài học cho bản thân.
Đối với môn Lịch sử, học sinh cần phải nắm vững toàn bộ những kiến thức cơ bản của chương trình bằng cách chia theo từng giai đoạn lịch sử. Cùng với đó, học sinh cần có kỹ năng khái quát, so sánh, liên hệ, lập bảng thống kê để tổng hợp các sự kiện, trình bày một cách có hệ thống các sự kiện trong từng giai đoạn lịch sử. Từ đó, dễ dàng giải thích các sự kiện, liên hệ thực tế…
Tốt nhất, học sinh nên phân chia ra các giai đoạn lịch sử cho dễ nhớ. Và ý nghĩa của từng giai đoạn cũng như các nội dung nổi bật để làm bài so sánh. Để đạt kết quả cao, học sinh nên vạch đề cương sơ lược cho mỗi câu trước khi làm bài.
Đối với môn Địa lý, điều quan trọng nhất là thí sinh phải nắm được các ý chính, sau đó lập dàn bài tổng quát. Hiện nay, môn Địa lý thi theo hình thức trắc nghiệm, thí sinh nên lập đề cương chi tiết theo Vùng – Miền để làm nổi bật lên những điểm khác biệt của từng vùng miền.
Sau đó, học sinh cũng nên lập đề cương theo ngành để thống kê sự phát triển của từng ngành như: Nông nghiệp, Công nghiệp, Dịch vụ … Từ đó, mỗi ngày cần nắm được ý chính về những tác động tăng trưởng hoặc những ảnh hưởng, cơ cấu ngành.
Khi ôn tập, học sinh nên ôn theo hướng hệ thống, củng cố, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng nên học sinh cần ôn tập theo các chủ đề như tự nhiên Việt Nam, dân cư xã hội, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế. Học sinh nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề.
Cũng nên dành thời gian đọc đi đọc lại các nội dung tài liệu, đánh dấu các nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý sau đó thử trình bày, viết lại các vấn đề đó ra giấy rồi so sánh với tài liệu để xem mình nhớ được những gì, cái gì chưa nhớ. Đánh dấu lại phần chưa nhớ để ôn lại.
Theo Vietnammoi