Môn thi bắt buộc: Bám sát sách giáo khoa

0
1874

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có 3 môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán và tiếng Anh, trong đó môn toán lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm

Năm 2017, đánh dấu sự thay đổi trong cả nội dung và hình thức thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia. Thầy Đỗ Đức Anh – giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) – lưu ý trong thời điểm này, học sinh (HS) không nên “bói” đề và chấp nhận may rủi.

Ngữ văn: Lưu ý nhiều thay đổi trong đề

Theo thầy Đức Anh, năm 2017, sự thay đổi cơ bản trong phần đọc hiểu là giảm từ hai ngữ liệu xuống còn một ngữ liệu, giảm từ 8 câu hỏi nhỏ xuống còn 4 câu. Dù vậy, các câu hỏi đọc hiểu vẫn sẽ làm khó không ít thí sinh. HS cần lưu ý có 4 cấp độ trong phần này là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Do vậy, 4 câu hỏi sẽ tương ứng với 4 điều sau: tái hiện kiến thức, suy nghĩ – tìm kiếm, sáng tạo, bộc lộ.

Với các yêu cầu này, HS nên đọc kỹ, lựa chọn thông tin có sẵn trong văn bản vì có những câu hỏi mà câu trả lời đã nằm sẵn trong ngữ liệu của đề thi. Nhưng có những dạng câu hỏi yêu cầu HS phải tự suy nghĩ, lý giải; chỉ cần trả lời đúng trọng tâm và ngắn gọn.

Theo thầy Đỗ Đức Anh, năm nay cấu trúc đề thi có nhiều thay đổi. Thời gian làm bài giảm từ 180 phút xuống còn 120 phút. Đặc biệt, phần nghị luận xã hội trước đây yêu cầu viết bài 600 chữ, giờ chỉ còn yêu cầu viết đoạn 200 chữ và sẽ là vấn đề liên quan đến phần đọc hiểu ở trên với mức độ yêu cầu vận dụng cao. Vậy phải viết sao cho đủ ý, bố cục rõ ràng, không lan man để tránh mất điểm. Đó là viết gọn mà đủ ý, không lặp ý, bố cục rõ ràng, tách bạch các thao tác lập luận với 4 bước: Bước 1: Xác định vấn đề cần nghị luận chính xác. Bước 2: Xây dựng khung đoạn văn với 4 luận điểm chính rõ ràng, mạch lạc – giải thích; phân tích; bàn luận; bài học nhận thức và hành động cụ thể, chân thành. Bước 3: Thuyết phục người đọc bằng cách tìm dẫn chứng hợp lý, thú vị, sâu sắc. Bước 4: Bắt tay viết đoạn với lời văn hàm súc khoảng 20- 25 dòng trong vòng 20 phút với cấu trúc diễn dịch hoặc quy nạp có thể hiện quan điểm bản thân một cách rõ ràng.

Đối với phần nghị luận văn học, với lượng kiến thức nhiều, HS cần sơ đồ hóa và tổng hợp các kiến thức cơ bản nhất để tối giản việc phải học thuộc lòng, tối đa hóa khả năng đọc hiểu và sáng tạo của mình. Những lưu ý cần thiết, cụ thể như đối với thơ: Học thuộc, phát hiện các biện pháp nghệ thuật, dụng ý của tác giả, hoàn cảnh sáng tác,… Đối với văn xuôi: nhớ cốt truyện, hoàn cảnh sáng tác, thuộc một số câu văn tiêu biểu để làm dẫn chứng…

Toán: Suy luận nhanh

Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), cho biết: Năm nay là năm đầu tiên môn toán thi theo hình thức trắc nghiệm nên độ quét kiến thức sẽ bao phủ toàn bộ chương trình lớp 12. Theo thầy Toàn, dựa vào đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó, HS nên học kỹ tất cả định nghĩa, khái niệm, công thức, định lý, tính chất, không bỏ sót bất cứ chi tiết nào trong sách giáo khoa (SGK). Thậm chí, chú ý luôn cả phần đọc thêm trong sách vì trong đề minh họa vừa rồi, có câu hỏi ra luôn ở phần đọc thêm như: Tính chất đối xứng của hình khối. Nói chung là đề thi bao quát toàn bộ kiến thức chương trình lớp 12.

Thầy Toàn lưu ý tuyệt đối HS không được mang tư tưởng học tủ, học lệch bởi cái gì đề cũng có thể cho. Muốn vậy, HS cần nắm vững kiến thức cơ bản, nắm vững bản chất của vấn đề, ví dụ: nguyên hàm là bài toán ngược của đạo hàm… Ngoài ra, HS còn cần hiểu thêm ý nghĩa hình học, vật lý và một số khái niệm toán học.

Theo thầy Toàn, những câu hỏi trong đề trắc nghiệm không mang tính chất đánh đố như các đề tự luận trước đây nhưng đòi hỏi phải có kiến thức tổng quát và linh hoạt. HS không cần quá chú tâm vào các bước giải như đề thi tự luận mà cần chú ý cách suy luận nhanh nhất để giải quyết vấn đề. HS cũng nên tìm hiểu thêm một số công thức và tính chất thường dùng mà trong SGK không có.

Thầy Toàn cho biết căn cứ theo đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì đề thi sẽ gồm 6 phần, thể hiện 6 chủ đề khác nhau của chương trình toán lớp 12; 6 chủ đề này thể hiện tách biệt. Trong mỗi chủ đề sẽ có những câu hỏi từ dễ đến khó nên HS có thể làm ngay từ đầu từ trên xuống dưới. HS cần đánh giá nhanh câu dẫn để loại ngay phương án sai. Trong mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời thì chắc chắn 2 phương án nhìn vào sẽ thấy sai ngay, chỉ còn đánh giá 2 phương án còn lại. Đối với những câu cần tính toán, HS có thể lấy kết quả của các phương án thay vào câu hỏi để tìm ra câu đúng hay sai. Một điều quan trọng là HS lưu ý kỹ năng sử dụng máy tính, tốt nhất dùng những máy có tính ứng dụng, phục vụ tính toán nhanh.

Môn tiếng Anh: Nắm vững từ vựng

ThS Lê Thị Thanh Hòa, giáo viên Trường Quốc tế Á Châu, cho biết: Đề thi tiếng Anh gồm 50 câu trắc nghiệm. Về phần ngữ âm, HS cần nắm một số quy tắc phát âm cũng như dấu nhấn trọng âm qua các ví dụ, từ đó có thể dễ dàng áp dụng vào các từ khác, kể cả từ chưa gặp. Với phần trắc nghiệm ngữ pháp và từ vựng tổng hợp, HS cần nắm vững các chủ điểm ngữ pháp cũng như vốn từ vựng trong SGK lớp 12. Đối với HS tham gia xét tuyển ĐH, cần ôn thêm một số mẫu câu phức tạp và các dạng câu hỗn hợp, trau dồi vốn từ vựng để làm tốt phần đọc hiểu.

Đối với đọc hiểu, HS nên đọc nhanh từ đầu đến cuối, không dừng lại khi gặp từ mới, sau đó phân tích chỗ trống cần điền để chọn từ phù hợp (đối với dạng điền từ) hoặc đọc câu hỏi và xác định thông tin cần tìm trong bài (đối với dạng trả lời câu hỏi), cuối cùng đọc lại toàn bộ bài để kiểm tra đáp án và xử lý những câu khó. Đối với phần tìm câu đồng nghĩa, HS nên chú ý các điểm ngữ pháp đang học trong chương trình.

TheoNLD