Việc thúc đẩy các trường thoát khỏi chiếc áo “bao cấp” chuyển sang cơ chế tự chủ không chỉ tạo tiền đề cho hệ thống GDĐH phát triển, mà còn gia tăng chính sách miễn giảm, hỗ trợ chi phí cho người học.
Thành công của hàng loạt trường đại học theo đuổi cơ chế tự chủ tài chính thời gian qua đã tạo cảm hứng, sức bật cho nhiều trường tiếp tục theo đuổi con đường này.
Xây dựng cơ chế học phí phù hợp
Tính đến thời điểm này, cả nước có 24 trường xây dựng thí điểm cơ chế tự chủ tài chính. Đa số lãnh đạo các đơn vị trên đều khẳng định tự chủ giúp nhà trường cởi bỏ rào cản, làm được nhiều việc hơn cho nhà trường, xã hội và người học. Đặc biệt, trường có thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thu hút người giỏi…
Năm 2021, tại TPHCM, ngoài Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tiến đến tự chủ toàn diện (hiện đang là 75%), có thêm 3 trường thuộc khối ĐH Quốc gia TPHCM chuyển sang cơ chế thí điểm tự chủ tài chính gồm Trường ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Công nghệ Thông tin và ĐH Kinh tế – Luật.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết: Đề án tự chủ được ĐHQG TPHCM phê duyệt và đang chờ Hội đồng trường thông qua trước khi áp dụng chính thức. Khi tiến hành tự chủ, học phí chắc chắn sẽ phải tăng để bảo đảm thu đủ
bù chi.
“Học phí sinh viên khóa 2021 dự kiến tăng đến 25 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà (gấp đôi mức thu hiện nay). Tất nhiên, cùng với việc tăng học phí, các chính sách về miễn giảm học phí, học bổng hay chương trình tín dụng cho sinh viên vay lãi suất 0% cũng được trường tính toán. Con số chưa cụ thể nhưng chắc chắn sẽ phải cao gấp 2 – 3 lần so với khi chưa tự chủ. Nhà trường phải xây dựng học phí theo lộ trình 5 năm, mỗi năm tăng 10% nhằm bảo đảm sự ổn định” – PGS.TS Bùi Hoài Thắng nói.
Cũng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính vào năm 2021, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) ngoài xây dựng lộ trình học phí ở mức xã hội, phụ huynh chấp nhận, còn tính toán chi phí, nguồn lực sao cho phù hợp để hỗ trợ nhiều hơn cho người học, cũng như tạo cơ chế thu hút người tài.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật nhìn nhận: Khi tự chủ, học phí là bài toán tài chính cốt lõi của các trường. Tuy nhiên, song hành với cơ chế học phí, nhà trường đã tính toán và xây dựng nguồn lực tài chính theo hướng mở từ hoạt động hợp tác chuyển giao nghiên cứu khoa học, công nghệ và nguồn lực từ doanh nghiệp… để việc tăng học phí sẽ không quá sốc với người học và bám sát đề án được duyệt. Quan trọng là gia tăng chất lượng đào tạo theo hướng tốt hơn nữa.
Được biết, theo đề án trình lên Hội đồng ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Kinh tế – Luật đề xuất mức học phí dự kiến năm 2021 là 20,5 triệu đồng; năm 2022 là 22,6 triệu đồng; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng.
Học phí tăng song hành với dịch vụ và sự hỗ trợ
Dù mới thí điểm tự chủ được 3 năm nhưng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã lột xác ngoạn mục không chỉ về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất mà còn thay đổi toàn diện về hoạt động dịch vụ phục vụ người học, cũng như các chính sách xã hội, miễn giảm cho sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ: Trước khi thực hiện thí điểm tự chủ tài chính, nhà trường thiếu hệ thống phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất đạt chuẩn, đặc biệt là hệ thống thư viện, bài giảng số. Tuy nhiên, sau 3 năm ngân sách đầu tư cho các vấn đề trên được gia tăng gấp 2 – 3 lần, hàng loạt phòng thí nghiệm, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên được đầu tư mới. Trường cũng đầu tư hàng chục tỉ để xây dựng thư viện thông minh phục vụ cho tiến trình số hóa và chuyển đổi số.
“Chính sách học phí có tăng khi tự chủ (tăng 5 – 10% mỗi năm) nhưng bù lại nguồn Quỹ học bổng, hỗ trợ học sinh khó khăn, nguồn lực tài chính tương trợ sinh viên của trường cũng tăng theo. Nếu như trước khi tự chủ nguồn lực cho học bổng, hỗ trợ sinh viên khó khăn chỉ hơn 11 tỉ đồng/năm thì khi tự chủ con số này tăng lên 21 tỉ, rồi 24 tỉ đồng/năm. Năm 2020 vì ảnh hưởng dịch Covid-19, bão lũ, chính sách song hành với người học của nhà trường tăng lên hơn 30 tỉ đồng” – PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nói.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Luật dự kiến trích lại tối thiểu 8% nguồn thu từ học phí cho vào quỹ học bổng. Bên cạnh đó, nhà trường còn chuẩn bị một nguồn quỹ đồng hành (đã huy động được hơn 3 tỉ đồng) dành cho sinh viên khó khăn vay không lãi suất suốt bốn năm học.
Dù mới chuẩn bị thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nhưng TS Nguyễn Hoàng Tú Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin nhìn nhận: Khi được tự chủ, cơ chế sẽ tạo điều kiện cho trường tăng cường huy động các nguồn thu ngoài ngân sách để bù đắp đủ chi phí của đơn vị. Khi nguồn thu tăng, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên học giỏi phải là quan tâm hàng đầu của các trường.