Quá căng thẳng, lo lắng trong thời gian ôn thi, hoặc việc học tập sai cách khiến kết quả giậm chân tại chỗ cũng sẽ khiến tâm lý của học sinh càng thêm nặng nề, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng, mất cân bằng tâm lý…
Sai lầm khiến tâm lý thêm hoang mang
Chị Hoàng Thị L. (42 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ con trai chị nhiều năm liền là học sinh giỏi tại trường, nhiều lần được cử tham gia kỳ thi học sinh giỏi toán cấp quận và TP, đều đoạt giải khá cao. Chị kể: “Từ nhỏ gia đình đã tập cho cháu kỹ năng tự lập, tự chủ do vậy cháu luôn chủ động tự học bài không để bố mẹ phải nhắc nhở. Điều đặc biệt là cháu luôn có trách nhiệm với việc học, không phải học một cách qua loa, mà thật sự hứng thú. Thế nhưng, khi bắt đầu vào năm học lớp 12 cháu kể lại là thường bị những cơn đau đầu hành hạ. Đôi lúc tôi nghĩ do cháu học nhiều nên chủ quan không đưa đi khám. Gần đây cháu thường cáu gắt, mệt mỏi, vui buồn bất thường, quá lo lắng nên tôi đưa cháu đến bệnh viện. Đọc kết quả chụp chiếu xong bác sĩ cho biết thể chất cháu đều bình thường và khuyên đến bác sĩ tâm lý để khám và điều trị. Tìm đến bác sĩ tâm lý tôi mới tá hỏa khi bác sĩ nói là con tôi bị kiệt sức và gặp phải vấn đề tâm lý do học tập quá căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không thay đổi thói quen học tập thì tình trạng có nguy cơ nặng hơn. Từ đó bác sĩ khuyên nên tạo tâm lý thoải mái khi học, xen kẽ thời gian học, nghỉ ngơi và vận động, tránh áp lực về điểm số…”.
Không may mắn như chị L., chị Nguyễn Thị Hoàng M. (ngụ phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ cũng từ sai lầm khi không hướng dẫn con cách học tập đúng cách mà hơn 2 năm nay chị phải đều đặn đưa con đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM để tái khám định kỳ. Chị M. kể: “Hồi mới chuyển cấp lên THPT, cháu từng kể là rất lo lắng vì thay đổi môi trường, thay đổi bạn bè, thầy cô và khối lượng kiến thức lớn hơn. Bởi đây là giai đoạn định hướng ngành học trong tương lai, để bắt nhịp kịp và cố gắng vào ngành y, cháu đã nỗ lực học rất nhiều. Nhiều hôm tôi thấy cháu học suốt đêm đến 3 giờ sáng mới đi ngủ. Ở trường và ở nhà cháu cũng rất ít tham gia các hoạt động, chỉ chú tâm vào việc học. Thời gian đầu thấy con chăm chỉ tôi rất mừng nhưng dần dần đã thấy lo lắng, đỉnh điểm là có lúc cháu tự nhốt mình trong phòng từ chiều đến khuya để giải xong 1 bài toán. Quá lo lắng, tôi đưa đi khám mới biết cháu có những biểu hiện mất cân bằng tâm lý. Từ đó tôi luôn khuyên cháu học theo năng lực và phải thoải mái, đối với những kiến thức quá khó có thể hỏi thêm ý kiến từ thầy cô, bạn bè. Tôi cũng thường đưa cháu ra ngoài vận động vào các ngày cuối tuần để cháu năng động và vui vẻ hơn”.
( Thí sinh tham dự kỳ thi THPT QG năm 2018 )
Những biện pháp để cân bằng tâm lý
Theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng học sinh gặp phải những vấn đề về tâm lý hiện nay diễn ra khá phổ biến, mỗi học sinh có những biểu hiện khác nhau. Về nguyên nhân, nhìn chung xuất phát từ việc học tập quá căng thẳng, áp lực cao, trong khi đó kế hoạch học tập thiếu khoa học, sai giờ giấc, các em không có thời gian vận động và thư giãn. Theo đó, chuyên gia tâm lý khuyến cáo không chỉ thời gian ôn thi mà những khoảng thời gian khác trong năm học, phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn cho con, đặc biệt là áp lực về điểm số, thay vào đó chỉ nên là người hướng dẫn, động viên; nên để cho con tự học một cách thoải mái bao gồm cả việc lựa chọn ngành nghề. Bên cạnh đó, nên thường xuyên trò chuyện chia sẻ để kịp thời nắm bắt những khó khăn mà con đang gặp phải, kịp thời đưa ra lời khuyên hữu ích cho con. Ngoài ra, nên cung cấp cho con những chế độ dinh dưỡng đủ chất, khuyên con có thời gian vận động bằng những môn thể thao nhẹ. Tốt nhất, phụ huynh nên vận động cùng con để giới hạn thời gian, tránh để thời gian vận động quá dài ảnh hưởng đến thời gian ôn tập…
Chung quan điểm trên, chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy đưa ra lời khuyên: Quá trình học tập căng thẳng, ngoài thời gian vận động và nghỉ ngơi hợp lý, học sinh có thể tự giải tỏa áp lực bằng một số phương pháp thư giãn nhanh của người Nhật Bản. Đó là phương pháp tự xoa bóp các ngón tay một cách đơn giản. Theo đó, mỗi ngón tay đại diện cho một cảm xúc khác nhau, trên thực tế trên mỗi đầu ngón tay có số lượng rất nhiều dây thần kinh, mỗi ngón tay cũng đại diện cho một loại cảm xúc khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Cụ thể, ngón cái liên quan đến sự lo lắng, ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày, lá lách; ngón trỏ đại diện cho sự sợ hãi, ảnh hưởng đến thận, bàng quang; ngón giữa biểu hiện cho sự tức giận và phẫn nộ, ảnh hưởng đến gan, túi mật; ngón đeo nhẫn phụ trách các cảm xúc buồn bã, thất vọng, ảnh hưởng đến hoạt động của phổi, đại tràng; ngón út chi phối sự hồi hộp, ảnh hưởng đến tim và ruột non. Do đó, khi căng thẳng, mệt mỏi hoặc trong lúc học tập học sinh có thể dừng bút dùng chính tay phải nắm chặt và massage lần lượt từng ngón tay ở bàn tay trái, lưu ý giữ nguyên tư thế từ 1 đến 2 phút cho mỗi ngón tay. Sau đó đổi lại dùng bàn tay trái thực hiện tương tự đối với bàn tay phải.
“Các em nên thực hiện biện pháp trên mỗi ngày để tinh thần được thư giãn, học tập hiệu quả hơn”, chuyên gia Ngô Minh Uy nói.