Nóng: Sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT

0
863
dai-hoc-giam-xet-tuyen-hoc-ba-vi-lo-hoc-truc-tuyen-keo-dai

Chiều tối 28/3, Bộ GD&ĐT công bố sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, bỏ quy định cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Bỏ quy định cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi

Theo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ GD&ĐT vừa ban hành có nhiều điểm mới.

Cụ thể, bổ sung điểm m khoản 4 Điều 14 như sau: Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí.

Với điều chỉnh trên, Bộ GD&ĐT bãi bỏ quy định đã áp dụng liên tục nhiều năm qua là cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác hỗ trợ.

Nóng: Sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT - 1
Giám thị kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Được biết quy định cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin…, từng được đưa vào quy chế và gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để giám sát, ghi nhận chứng cứ tiêu cực khi diễn ra thi và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý.

Quy định cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi ra đời với mục đích thí sinh cũng là một “kênh” giám sát và tố cáo gian lận trong phòng thi.

Từ khi thực hiện đến nay Bộ GD&ĐT cũng chưa có đánh giá, tổng kết về tác dụng của cách làm này.

Nhiều lãnh đạo, giáo viên cho rằng, nên bỏ quy định trên bởi lẽ thí sinh đi thi chỉ nên tập trung làm bài, hơn nữa giám thị cũng sẽ rất khó nhận biết thiết bị nào có chức năng đúng như quy chế quy định.

Nóng: Sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT - 2
Các thiết bị có hình dạng giống khóa ô tô, xe máy nhưng có nhiều tác dụng truyền tải thông tin (Ảnh: Mỹ Hà).

Sửa đổi quy chế làm đề để tránh kẽ hở

Thông tư mới sửa đổi, bổ sung một số quy định về làm đề thi nhằm tránh kẽ hở như vụ việc lọt đề sinh học năm vừa qua. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đánh giá, việc sửa đổi này rất quan trọng.

Cụ thể, thông tư sửa đổi bổ sung về việc làm đề như sau: “Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học – kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng.

Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi”.

Ngoài ra, thông tư cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về chấm phúc khảo bài thi tự luận của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó: “Mỗi bài thi tự luận do hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo theo quy định tại điều 27 Quy chế này và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.

Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của ban phúc khảo bài thi tự luận trở lên.”

Ngoài ra, thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 còn có một số thay đổi mang tính kỹ thuật trong những quy định liên quan tới tổ chức đăng ký dự thi, coi thi, chấm thi.

Trong đó, về quy định đăng ký dự thi với thí sinh là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi: Hồ sơ đăng ký dự thi gồm 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bản chính hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT hoặc phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX do hiệu trưởng trường phổ thông cấp; các loại chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; file ảnh (hoặc 2 ảnh 4×6 nếu đăng ký dự thi trực tiếp) kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Ở kỳ thi năm 2023, thí sinh sẽ đăng ký dự thi trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức kỳ thi cũng được chú trọng.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT trước đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022.

Theo đó, thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT vẫn phải thi 4/5 bài thi, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Trong đó, bài thi ngữ văn theo hình thức tự luận. Các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT, là cơ sở để đánh giá chất lượng dạy học phổ thông, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được sử dụng là một trong những phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non.

Theo Báo Dân Trí