Quy chế thi sửa đổi không ảnh hưởng thí sinh

0
1028

Đó là khẳng định của PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD-ĐT, về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Quy chế thi sửa đổi không ảnh hưởng thí sinh - Ảnh 1.

Một giáo viên ở TP.HCM đang ôn tập môn toán trực tuyến cho học sinh lớp 12 trong thời gian nghỉ do dịch COVID-19 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 lùi hơn 1 tháng so với năm 2019 để thí sinh kịp hoàn thành chương trình lớp 12 sau đợt nghỉ phòng dịch COVID-19 kéo dài. Các mốc thời gian liên quan tới kỳ thi cũng lùi chậm lại, nhưng đảm bảo giữ ổn định. Thí sinh vẫn có hơn 3 tuần để ôn tập, tương tự như năm 2019 và 20 ngày để đăng ký dự thi.

Chuẩn bị tốt cho kỳ thi ngay từ bây giờ

* Việc chấm thi có phải rút ngắn thời gian, quy trình không khi các trường ĐH chờ kết quả để tuyển sinh, thưa ông?

– Với mốc thời gian vừa điều chỉnh, kỳ thi diễn ra vào các ngày 23, 24, 25, 26-7, các khâu của kỳ thi vẫn có thể đảm bảo, trong đó có quy trình, thời gian chấm thi.

Từ kết quả của kỳ thi năm trước sau khi điều chỉnh giao cho các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm, sở GD-ĐT chỉ chấm bài tự luận và tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo ngăn chặn tiêu cực.

Năm nay, quy trình, thời gian chấm thi về cơ bản không thay đổi, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ có tính kỹ thuật để tăng thêm tính bảo mật, độ chính xác của công tác chấm thi.

* Ông có lưu ý gì đối với các nhà trường, các địa phương trong công tác chuẩn bị, triển khai kỳ thi, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?

– Các địa phương cần chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo, toàn diện để tổ chức kỳ thi. Cụ thể trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh có các đợt nghỉ dài như hiện nay, các trường càng cần áp dụng các phương thức linh hoạt, hiệu quả để dạy học, ôn tập. Đặc biệt lưu ý không cắt xén chương trình, cả khi học sinh quay trở lại trường.

Các địa phương từ bây giờ phải chuẩn bị đầy đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên và lên kế hoạch tập huấn đầy đủ, chất lượng để đảm bảo thực hiện tốt các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi.

Bên cạnh đó, phải rà soát kỹ càng cơ sở vật chất, thiết bị bao gồm: phòng thi, phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại các điểm thi, địa điểm chấm thi; hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin theo yêu cầu của các khâu tổ chức thi; thiết bị theo dõi an ninh; máy móc thiết bị phục vụ công tác in sao đề thi; in phiếu trả lời trắc nghiệm, trang bị máy quét đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để chấm thi trắc nghiệm đảm bảo chính xác, đúng tiến độ…

Quy chế thi sửa đổi không ảnh hưởng thí sinh - Ảnh 2.

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội. Đảm bảo nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.

PGS.TS Mai Văn Trinh

Giữa tháng 3 công bố quy chế thi

* Thời điểm thi là cuối tháng 7 – là tháng nắng nóng của khí hậu nước ta cũng trùng với mùa mưa miền Bắc. Các tỉnh miền núi phía Bắc dễ xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, ảnh hưởng tới giao thông và sự an toàn của cán bộ, thí sinh. Ông có lưu ý gì?

– Trước đây, chúng ta đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 6, lùi xa hơn một chút thì từ năm 2014 về trước ta tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vào hai tuần đầu tháng 7.

Từ kinh nghiệm thực tế trước đây, để chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong các ngày thi, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để có phương án phối hợp với các lực lượng địa phương, nhất là công an, quân đội, ngành giao thông… trong việc ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan.

Các địa phương phải có phương án dự phòng trong trường hợp thay đổi địa điểm tổ chức thi. Đồng thời, có phương án để học sinh đến trường thi và nơi cư trú an toàn trong thời gian thi.

* Khi nào Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tổ chức thi?

– Hiện nay, dự thảo sửa đổi quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 đã được đưa lên mạng để lấy ý kiến theo đúng quy định. Dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ công bố quy chế vào giữa tháng 3-2020.

Cùng với ban hành quy chế, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất cả cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi.

Một số điều chỉnh cụ thể sẽ được quy định trong quy chế thi sắp ban hành và sẽ có hướng dẫn chi tiết. Các điều chỉnh này chỉ liên quan đến cán bộ, giáo viên làm công tác thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh, do vậy các thí sinh yên tâm, tập trung học và ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tới.

Quy chế thi sửa đổi không ảnh hưởng thí sinh - Ảnh 4.

Học sinh sau khi hoàn thành môn thi ngữ văn tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Phân tích kỹ đề thi minh họa năm 2019

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019. Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa. Do đó, tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019.

Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài.

Các nhà trường cần tổ chức cho giáo viên, học sinh tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019 làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt.

Theo Báo Tuổi Trẻ Online