Tại sao học sinh lớp 12 khóc như mưa trong ngày bế giảng nhưng vài năm sau họp lớp không ai đi?

0
22141

Tốt nghiệp và chia tay, rất nhiều mối quan hệ bạn bè sẽ dần dần ít liên lạc, thậm chí là mất liên lạc. Đã từng là bạn bè của nhau lại mỗi người một phương, sẽ không còn chung trường, không chung đường đời bước tiếp.

Người ta nói rằng: Tốt nghiệp là một điểm cuối, cũng là một điểm khởi đầu trên con đường đời. Tốt nghiệp rồi, bước ra khỏi cổng trường, học sinh sẽ tự nhủ trong lòng rằng cuối cùng cũng thoát khỏi cái trường này rồi. Nhưng khi quay đầu lại, phát hiện ra, cho dù có muốn, cả đời này cũng không thể quay lại làm học sinh của cái trường này lần nữa. Cảm giác biết mình sắp xa bạn bè, xa thầy cô và biết lớp học này sẽ chẳng còn có nhiều cơ hội được tụ họp đầy đủ nữa thật khó chịu và lúc đó, nước mắt chực rơi như một lẽ tất yếu.

Cứ đến mùa chia tay, mùa bế giảng dưới những hình ảnh các cô cậu học trò ôm nhau khóc là lại xuất hiện những bình luận mỉa mai, rằng bù lu bù loa làm gì khi mà mai này họp lớp chẳng ai đi. Ừ thì họp lớp sau này có thể sẽ không nhiều người đi thật, nhưng có nhiều lý do dễ hiểu mà. Còn cảm xúc lúc này, sự chia ly là điều duy nhất mà họ nhận ra nên khóc cho đã. Thử nghĩ mà xem, 12 năm là học trò, mai lớn rồi, hôm nay là ngày duy nhất được sống vô tư, không phải lo nghĩ nhiều thì tại sao không trân trọng cơ chứ.

Được khóc trong vòng tay bạn bè là điều tuyệt nhất trên đời, tại sao lại không cơ chứ. Đó là những giọt nước mắt tiếc nuối, khóc vì nhận ra thời gian sao trôi nhanh quá vậy. Mới chợp mắt một cái đã vèo 3 năm cấp 3. Còn chuyện sau này họp lớp ư, nó là của sau này rồi.

Họp lớp của những năm sau này là một cách mà con người ta ngồi lại bên nhau, ôn lại những kỉ niệm xưa, kể cho nhau nghe những gì ta đã làm được sau ngày ta ôm nhau khóc ấy. Nếu sau này có thể tụ họp lại một cách đông đủ thì quá đỗi may mắn và hạnh phúc. Còn nếu không thể? Không sao cả, vì đâu ai biết được những bộn bề, những khó khăn của cuộc sống sau này, đâu phải lúc nào muốn đi là có thể đi được. Nhưng nếu vẫn còn yêu thương, thì yêu thương vẫn mãi còn đó thôi, yêu thương ấy tự hiểu với nhau là được. Vậy nên, họp lớp không phải là tiêu chí đánh giá một tình bạn, và đương nhiên không phải là cách để nhận xét về giọt nước mắt của “những đứa trẻ trưởng thành” tuổi 18.

Và học sinh 12, cứ học thật nhiều trong ngày bế giảng, ngày ra trường nhé. Khóc cho những năm tháng thanh xuân trôi qua vội vã, khóc cho một thời tuổi trẻ cuồng nhiệt, khóc cho 12 năm học sinh đã sống hết mình. Khóc cho đã vì mai ngày ra đời, những giọt nước mắt sẽ nhuốm thêm vị đắng của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền, sẽ chẳng ngây thơ được nữa đâu.

theo kenh14