Xét học bạ vào đại học đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các em chọn trường, chọn ngành sớm, giảm áp lực phụ thuộc hoàn toàn vào điểm thi THPT Quốc gia.
Phụ huynh, học sinh nghe tư vấn trực tiếp từ cán bộ tuyển sinh của ĐH FPT để có lựa chọn ngành học phù hợp với con em mình
Giáo viên cũng bớt áp lực
Theo cô Vân Khánh (giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam) – người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, đồng hành cùng học sinh qua nhiều mùa tuyển sinh đại học – cao đẳng, trong “cuộc đua” thi cử, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng có những lo lắng, áp lực nhất định.
Cô Khánh thường có những định hướng chọn trường, chọn ngành cho học sinh dựa trên năng lực học tập, nhu cầu nguyện vọng của các em cũng như kinh nghiệm về giáo dục, việc làm mà cô có được.
Những năm học sinh chỉ có cơ hội vào đại học khi vượt qua kỳ thi tuyển chung, cô Khánh phải “nâng lên, đặt xuống” những chia sẻ này của mình đối với học sinh rất nhiều lần.
Định hướng sao cho chuẩn, cân nhắc cả yếu tố sức học cũng như tâm lý, bản lĩnh của học sinh khi thi cử, đoán định xu hướng tăng, giảm điểm chuẩn các trường… rất nhiều yếu tố tác động khiến những giáo viên phổ thông như cô không dễ dàng để đưa ra tư vấn chính xác cho học sinh.
Vài năm trở lại đây, phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT (xét học bạ) được nhiều trường đại học ưu tiên sử dụng. Một chuyển biến dễ nhận thấy ở trường, lớp mà cô Khánh đang phụ trách giảng dạy đó là đã ít dần đi những lo lắng, áp lực, chạy đua học để thi, để vượt qua điểm chuẩn trường, điểm chuẩn ngành như những năm trước.
“Tôi thấy phương thức này rất phù hợp với thực tế, giúp cả học sinh và giáo viên giảm bớt áp lực”, cô Khánh nói.
Cô Vân Khánh cho rằng phương thức xét tuyển học bạ vào đại học phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho học sinh
Ủng hộ phương thức có lợi cho cả học sinh và trường đại học
Biết tới phương thức xét tuyển vào đại học bằng học bạ, học sinh hiện nay khá chủ động trong việc học tập để thể hiện tối đa năng lực bản thân trong suốt quá trình 3 năm THPT.
Ngay từ năm lớp 10, các em đã có ý thức phân phối thời gian học và có động lực duy trì sức học đều đặn ở các môn. Đặc biệt, tình trạng chỉ tập trung học các môn hoặc tổ hợp các môn thi đại học – diễn ra khá phổ biến trước đây – nay đã giảm rõ rệt.
“Học sinh hoàn toàn tự chủ được việc mình sẽ học như thế nào, kết quả là điểm học bạ sẽ phản ánh quá trình học tập, nỗ lực đó của học sinh, quyết định việc các em có thể xét tuyển vào trường đại học mình mong muốn hay không”, cô Vân Khánh chia sẻ.
Căn cứ vào điểm học bạ của mình, học sinh có thể sớm chọn trường, chọn ngành phù hợp với sở thích, năng lực hoặc nhờ sự tư vấn, định hướng thêm từ phía thầy cô.
“Với học sinh trường tôi đang công tác, các em có nhiều cơ hội lựa chọn vào các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vì vậy trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn gây áp lực với các em”, cô Khánh cho biết.
Về phía trường đại học, sử dụng phương thức xét tuyển học bạ vẫn đảm bảo đánh giá đầy đủ năng lực học sinh, lựa chọn được đầu vào chất lượng cao khi kết hợp thêm với một số yếu tố khác.
Như ĐH FPT, thí sinh nộp hồ sơ học bạ sớm vào trường đồng thời nhận được tư vấn và sớm chọn được ngành học phù hợp với năng lực và nguyện vọng, sở thích của mình.
Nhiều bạn song song với việc nộp hồ sơ học bạ còn đăng ký tham gia thi học bổng vào ĐH FPT cũng như tham gia các chương trình tham quan trải nghiệm một ngày làm sinh viên tại trường để có lựa chọn chính xác nhất cho quyết định chọn ngành học.
“Theo tôi, học sinh nên sử dụng phương thức xét tuyển học bạ kết hợp nhận tư vấn từ trường để có đánh giá tốt hơn về năng lực và mức độ phù hợp ngành nghề của mình. Đây sẽ là con đường ngắn và rõ ràng nhất dẫn các em tới mục tiêu vào đại học đúng trường, đúng ngành mình có nguyện vọng.
Rất nhiều học sinh xuất sắc của tôi đang là sinh viên ĐH FPT nhờ nộp hồ sơ học bạ sớm vào trường”, cô Khánh cho biết.
Theo Báo Tuổi Trẻ