Ôn thi môn địa lý thế nào để lấy điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, diễn ra từ ngày 25 đến 27-6? Dưới đây là ‘bí quyết’.
Để đạt điểm cao khi làm bài trắc nghiệm môn địa lý, học sinh cần nắm vững kiến thức sách giáo khoa, có kỹ năng làm bài và tránh các lỗi thường gặp.
1. Kiến thức
Thứ nhất, các em phải nắm được nội dung kiến thức sách giáo khoa với những chủ đề cơ bản: tự nhiên, dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các ngành kinh tế, các vùng kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và biển đảo theo hình thức sơ đồ tư duy rồi so sánh với sách giáo khoa, tài liệu xem mình đã nhớ được những gì, những gì phải xem lại, sau đó phải làm các câu hỏi trắc nghiệm theo mỗi chủ đề.
Thứ hai, sử dụng Atlas: Atlas được coi là cuốn “sách giáo khoa” thứ 2 của học sinh, vì vậy việc khai thác những nội dung trong Atlas là kỹ năng cơ bản để các em có thể học bài, làm bài thi và lấy điểm.
Khi học và làm bài với Atlas các em phải: hiểu được hệ thống ký hiệu bản đồ, nhận biết, đọc tên các đối tượng Địa lý trên bản đồ, xác định được phương hướng, kích thước, hình thái và vị trí của các đối tượng Địa lý trên bản đồ, đặc biệt phải xác định và phân tích được mối quan hệ giữa các đối tượng Địa lý trên bản đồ, từ đó lựa chọn ra đáp án đúng nhất đối với những câu hỏi mà đề cho sử dụng Atlas.
Ví dụ: Để xác định hướng chảy của sông, ngoài sử dụng bản đồ các hệ thống sông, các em cần thông qua bản đồ địa hình. Để xác định tình hình phát triển kinh tế của một vùng, ngoài sử dụng bản đồ vùng kinh tế các em phải thấy được sự liên quan của các yếu tố như: địa hình, đất đai, khí hậu… (các bản đồ tự nhiên) có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của vùng đó.
Thứ ba, phải nắm được những kỹ năng của biểu đồ và bảng số liệu. Các em cần:
– Xác định được dạng biểu đồ dựa trên yêu cầu câu hỏi.
– Xác định được dạng biểu đồ dựa vào bảng số liệu.
– Dựa vào biểu đồ tìm ra nhận xét đúng hoặc sai.
– Xác định nội dung còn thiếu trong biểu đồ: tên biểu đồ, chú thích, đơn vị các trục và số liệu trong biểu đồ. Đặc biệt lưu ý những “từ khóa” của kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu.
Ví dụ:
– “Quy mô cơ cấu” đối với biểu đồ tròn.
– “Chuyển dịch cơ cấu” đối với biểu đồ miền.
– “Tốc độ tăng trưởng” đối với biểu đồ đường…
Thứ tư, phải xác định được “từ khóa” và gạch chân “từ khóa” trong câu hỏi. Các em cần đọc kỹ nội dung câu hỏi và “mồi nhử” cho mỗi câu hỏi, từ đó xác định và gạch chân “từ khóa”, đồng thời phải vận dụng các nội dung kiến thức liên quan để giải quyết các câu hỏi trong “từ khóa”.
Ví dụ: Đề yêu cầu tìm: Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển ngành du lịch – thì từ khóa là “thuận lợi về tự nhiên”, vậy những gì liên quan đến kinh tế xã hội hay khó khăn các em bỏ qua và chỉ xác
định những mồi nhử liên quan đến thuận lợi về tự nhiên, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và tìm ra đáp án đúng nhất.
2. Kỹ năng làm bài
Đầu tiên, các em phải đọc hết đề, sau đó thấy câu nào dễ thì làm ngay, như vậy sẽ đỡ mất thời gian và tạo tâm lý an tâm.
Đề trắc nghiệm có 40 câu làm trong 50 phút, như vậy trung bình mỗi câu làm 1,25 phút. Nếu có những câu hỏi mà qua thời gian này rồi nhưng không tìm ra đáp án thì nên bỏ qua và làm câu khác để lấy điểm, đồng thời còn thời gian làm lại các câu hỏi khó lần hai.
Các em tuyệt đối không bỏ bất kỳ câu nào, đối với những câu hỏi khó không tìm ra đáp án thì dùng phương pháp loại trừ để chọn ra đáp án và chúng ta có quyền hi vọng vào may mắn.
3. Những lỗi học sinh thường gặp
Các em chưa phân phối thời gian một cách hợp lý.
Đọc không kỹ nên không nắm rõ yêu cầu câu hỏi, đặc biệt đối với những câu dạng phủ định “không” dẫn đến chọn đáp án sai.
Nhiều em chưa nắm vững kỹ năng sử dụng Atlas và thiếu liên hệ giữa các nội dung trong Atlas, vì vậy còn mất nhiều thời gian cho các câu hỏi để tìm ra đáp án đúng và nhanh nhất.