Thí sinh chưa hiểu đúng về xét tuyển sớm, Bộ GD-ĐT nói gì?

0
816
nhieu-truong-dai-hoc-cong-bo-diem-chuan-xet-tuyen-som

Số lượng thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm năm 2023 thấp bất thường. Một nguyên nhân quan trọng được ghi nhận từ các trường ĐH là thí sinh chưa hiểu đúng quy định xét tuyển năm nay.

Với nhiều trường, cần đăng ký xét tuyển tại trường

Hiện tượng giảm mạnh số lượng thí sinh (TS) nộp hồ sơ được ghi nhận qua phương thức xét tuyển học bạ của các trường, đặc biệt ở phương thức xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay. Dù hết thời gian mở cổng đăng ký xét tuyển nhưng ĐH này mới chỉ nhận được khoảng 1/4 hồ sơ so với năm ngoái.

Theo nhận xét của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều TS đang hiểu chưa đúng về cách thức đăng ký xét tuyển năm nay. TS cho rằng không cần chọn phương thức xét tuyển mà các trường sẽ tự xét tất cả các phương thức TS đủ điều kiện. Do vậy, TS nghĩ không cần đăng ký xét tuyển sớm tại các trường mà chỉ cần đăng ký trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT vào tháng 7 là đủ.

Trước thực trạng này, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2023 để các cơ sở giáo dục và TS chủ động trong công tác tuyển sinh. Theo đó, các trường ĐH vẫn có thể thực hiện xét tuyển sớm và thông báo kết quả trúng tuyển có điều kiện cho TS. Từ kết quả xét tuyển theo quy định riêng, các trường cập nhật danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ trước ngày 8.7.

Thí sinh chưa hiểu đúng về xét tuyển sớm, Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ phương thức xét tuyển sớm dựa vào học bạ năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Vụ trưởng, sau giai đoạn xét tuyển sớm, TS thực hiện đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 10.7 đến 17 giờ ngày 30.7. Năm nay, để tránh sự nhầm lẫn phương thức khi đăng ký xét tuyển, Bộ có những cải tiến về phần mềm hỗ trợ tối đa TS. Theo đó, khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ, TS chỉ đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh (tức theo ngành) và không phải chọn phương thức xét tuyển. Cụ thể, khi đăng ký xét tuyển, phần liên quan tới nguyện vọng, TS chỉ cần điền 3 nội dung sau: thứ tự nguyện vọng; mã cơ sở đào tạo; mã ngành muốn đăng ký xét tuyển (không đăng ký chi tiết đến các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển). Như vậy sẽ tránh được rất nhiều sai sót cho TS liên quan đến các nhầm lẫn mã tổ hợp, mã phương thức như trước đây.

“Đó là quy trình đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ. Còn với các phương thức xét tuyển sớm, TS cần nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng đề án tuyển sinh từng trường để đảm bảo quyền lợi xét tuyển”, Vụ trưởng khuyến cáo.

Giải thích rõ hơn nhằm tránh gây nhầm cho TS, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết những TS đủ điều kiện trúng tuyển sớm vẫn cần đặt lại nguyện vọng vào ngành đó với thứ tự ưu tiên nguyện vọng cụ thể trên hệ thống của Bộ. Nếu đã có tên trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm của trường, TS chỉ cần đăng ký ngành học đó ở nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển. Nhưng cần chú ý có những trường quy định chỉ xét TS nộp hồ sơ các phương thức riêng trong giai đoạn xét tuyển sớm mà không nhận đăng ký trên hệ thống của Bộ. Với những trường hợp này, TS bắt buộc phải tham gia quy trình xét tuyển sớm của trường mới được xét tuyển và có cơ hội trúng tuyển.

“Điều này có nghĩa, tùy theo quy chế của từng trường sẽ có quy định khác nhau với phương thức xét tuyển sớm, xét tuyển riêng. Trong đó với nhiều trường, quy trình đăng ký xét tuyển tại trường là cần thiết trước khi thực hiện đăng ký trên hệ thống hỗ trợ chung của Bộ. Do đó, TS cần hiểu đúng và nắm vững thông tin quy định của từng trường khi tham gia xét tuyển các phương thức riêng”, Vụ trưởng nhấn mạnh.

Thí sinh không cần tự đi xác nhận giấy tờ

Hiện nay các trường ĐH đang thực hiện nhận đăng ký xét tuyển sớm nhiều phương thức dựa vào học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển…

Thí sinh chưa hiểu đúng về xét tuyển sớm, Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 2.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM

NHẬT THỊNH

Điểm đặc biệt năm nay là tất cả các trường đều nhận đăng ký xét tuyển trực tuyến, TS thực hiện đăng ký nguyện vọng và tải hồ sơ lên cổng tuyển sinh của các trường. Thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết ở thời điểm này khi đăng ký xét tuyển TS chỉ cần nộp bản sao học bạ THPT, bản sao căn cước công dân và giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có). Trong đó, TS hưởng ưu tiên theo đối tượng như con thương binh, bộ đội, công an xuất ngũ, người dân tộc thiểu số… cần có giấy tờ minh chứng để tính điểm ưu tiên.

Một số trường như Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM yêu cầu TS sau khi đăng ký trực tuyến, in phiếu đăng ký xét tuyển gửi về trường để hoàn tất thủ tục.

Tuy nhiên, ghi nhận tình hình xét tuyển năm nay, một số trường đang gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng ưu tiên tuyển sinh. Đặc biệt, có trường yêu cầu TS nộp giấy xác nhận cư trú để minh chứng hưởng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, để xác định đối tượng ưu tiên cần có nhiều thông tin, trong đó có dữ liệu lịch sử nơi cư trú trong 3 năm học THPT. Bộ GD-ĐT đang tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc thu thập, khai thác thông tin về lịch sử thường trú của học sinh phục vụ xét ưu tiên theo vùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2023.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện bộ này đã phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT-TT triển khai kết nối thông suốt và hoàn tất việc tích hợp chức năng khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống quản lý thi và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Các điểm tiếp nhận hồ sơ sẽ sử dụng chức năng này để tra cứu, khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đối chiếu, xác nhận cho TS nên TS không phải tự đi xin xác nhận (bản giấy) như mọi năm.

Theo kế hoạch, Bộ Công an sẽ thu thập đầy đủ thông tin lịch sử thường trú của TS sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2023 và chia sẻ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng tiến độ triển khai thi, xét tuyển năm nay.

Thành lập Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Gia Lai

Ngày 28.4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định phê duyệt chủ trương thành lập Phân hiệu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tại Gia Lai trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Gia Lai.

Đây là nội dung đã được thống nhất trước đó giữa UBND tỉnh Gia Lai và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Theo đó, trường sẽ đào tạo chuyên ngành sư phạm, ĐH và sau ĐH, liên kết ĐH quốc tế và mô hình trường THPT thực nghiệm, cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực Tây nguyên cũng như các tỉnh khác.

Không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho thí sinh

Bộ GD-ĐT khuyến cáo các cơ sở đào tạo sử dụng dữ liệu trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cho việc xét tuyển của trường mình. Hiện nay, Bộ cũng đã hoàn thiện công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2023 để gửi các cơ sở đào tạo trước ngày 30.4, bảo đảm các trường thực hiện kịp thời theo kế hoạch tuyển sinh chung.

Trước thực trạng một số trường tổ chức thu hồ sơ và xét tuyển sớm hiện nay, Bộ GD-ĐT khuyến cáo: “Các trường tổ chức xét tuyển sớm mà không sử dụng dữ liệu trên hệ thống chung phải tự chịu trách nhiệm về thông tin để xét đối tượng, khu vực ưu tiên, nhưng nhất định không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà cho TS trái với quy định của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính”.

Theo Báo Thanh niên