Thí sinh tăng nguyện vọng để tránh ‘rớt oan’

0
1327

Lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu nhằm tăng số lượng nguyện vọng cao hơn so với năm trước. Trong khi đó, không ít thí sinh mất cơ hội xét tuyển vì những thiếu sót không đáng có.

Thí sinh tăng nguyện vọng để tránh rớt oan - Ảnh 1.

ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (phải), tư vấn cho học sinh về chọn ngành, chọn trường trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ năm 2020 – Ảnh: NH.HUY

17h ngày 27-9, thí sinh trong cả nước đã hoàn tất điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Theo một số trường THPT tại TP.HCM, số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký tăng so với các năm trước. Đa số thí sinh điều chỉnh có điểm thi ở mức “cao không cao, thấp không thấp”.

Có thể lúc đầu các em chủ quan, đăng ký ít nguyện vọng, chủ yếu vào các trường mình mong muốn. Mặt bằng điểm thi tăng cao, khả năng trúng tuyển ít hơn nên thí sinh phải bổ sung nguyện vọng để đảm bảo khả năng trúng tuyển.

Ông HÀ HỮU THẠCH

Điều chỉnh để trúng tuyển

Với học lực giỏi, T.N.V. (TP.HCM) đăng ký 4 nguyện vọng xét tuyển ngành dược vào các trường: ĐH Y dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Tôn Đức Thắng.

Mức điểm 25,05 và mặt bằng điểm thi tăng mạnh so với năm trước thực sự không chắc chắn cho khả năng đậu vào những trường đã đăng ký nên V. và gia đình quyết định đăng ký bổ sung 6 nguyện vọng nữa vào các trường khác, trong đó có trường ngoài công lập, để chắc chắn cơ hội trúng tuyển.

Tương tự, P.H.P. (Quảng Ngãi) đạt 24,5 điểm tổ hợp toán, lý, hóa. P. đăng ký 8 nguyện vọng xét tuyển các ngành kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Tuy nhiên mức điểm này thấp hơn điểm chuẩn một số ngành năm 2019, trong khi điểm thi năm nay tăng mạnh buộc P. thay đổi nguyện vọng, vẫn giữ các trường này nhưng bổ sung nguyện vọng vào một số trường có khả năng trúng tuyển cao hơn.

Điểm thi tăng mạnh khiến tính toán đăng ký nguyện vọng ban đầu của nhiều thí sinh khá, giỏi bị “phá sản”, buộc phải bổ sung nhiều nguyện vọng vào các trường có mức điểm chuẩn thấp hơn ở năm trước.

Ông Hà Hữu Thạch – hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) – cho biết lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu tương đương các năm trước. Tuy nhiên, năm nay lượng thí sinh có điểm tương đối cao điều chỉnh nguyện vọng nhiều hơn.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thí sinh. Theo ông Trần Công Tuấn – hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), lượng thí sinh điều chỉnh tăng nguyện vọng năm nay tại trường nhiều hơn năm 2019.

Lý giải điều này, ông Tuấn cho biết phổ điểm các tổ hợp môn cũng như từng môn đều tăng 2-3 điểm so với năm trước khiến điểm chuẩn các ngành cũng dự kiến tăng nên những nguyện vọng đăng ký ban đầu giờ không đảm bảo.

Trước đây thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng vào các trường tốp trên, nay tăng lên 8, bổ sung các trường tốp giữa, tốp dưới.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc – hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM), lượng thí sinh điều chỉnh bằng phiếu nhằm tăng nguyện vọng đăng ký năm nay nhiều hơn năm 2019. Hầu hết thí sinh điều chỉnh có điểm thi trên 20. Thí sinh điều chỉnh tăng nhiều nguyện vọng nhất là 5.

Trong khi đó, ông Hà Bảo Tâm – giáo viên phụ trách học vụ Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) – cho biết thí sinh có nhiều nguyện vọng nhất sau điều chỉnh của trường là 12. Ngoài việc thêm nguyện vọng “cho chắc ăn”, nhiều thí sinh cũng điều chỉnh tổ hợp, chọn hoặc bổ sung các tổ hợp có điểm thi cao hơn để xét tuyển.

Tự đánh mất cơ hội

Năm nay, rất nhiều trường đại học bổ sung các phương thức tuyển sinh bên cạnh hai phương thức truyền thống là xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Điều này mở ra thêm cơ hội lựa chọn cách xét tuyển cho thí sinh nhưng vì không đọc đầy đủ thông tin, chủ quan hoặc tìm cách tăng cơ hội cho mình bằng cách không đúng quy định dẫn đến việc nhiều thí sinh mất cơ hội xét tuyển.

Thí sinh T.N.V. ngoài xét tuyển điểm thi tốt nghiệp còn tham gia thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM với nguyện vọng theo học ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Tuy nhiên, khi trường này công bố điểm chuẩn, V. đủ điểm đậu nhưng không được xét tuyển do không đăng ký nguyện vọng xét tuyển ban đầu! ThS Phùng Quán – trưởng phòng thông tin – truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên – cho biết có nhiều trường hợp như vậy trong kỳ thi đánh giá năng lực năm nay.

Thí sinh chỉ đăng ký dự thi mà quên đăng ký nguyện vọng xét tuyển dù Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đã thông báo, gửi email. Và như vậy, dù điểm thi đạt điểm chuẩn nhưng thí sinh vẫn mất cơ hội xét tuyển.

Mới đây, một thí sinh đã bị Trường ĐH Y dược TP.HCM từ chối nhận chứng chỉ IELTS để điều chỉnh bổ sung nguyện vọng xét tuyển theo phương thức kết hợp vào ngành y trường này. Theo đề án tuyển sinh, thời hạn chứng chỉ tiếng Anh (IELTS 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT 60 trở lên) phải trong thời hạn cấp từ ngày 24-8-2018 đến 26-8-2020.

Trong khi đó, thí sinh được cấp chứng chỉ IELTS ngày 13-9 nên không được trường chấp nhận. Thí sinh này trước đó đã đăng ký xét tuyển vào ngành y theo phương thức điểm thi tốt nghiệp nhưng điểm 27,9 chưa đảm bảo cơ hội trúng tuyển nên đã dự thi IELTS, điều chỉnh bổ sung nguyện vọng theo phương thức kết hợp.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết việc sơ tuyển (chứng chỉ ngoại ngữ) có quy tắc và thời gian nhất định để đảm bảo công bằng cho thí sinh tham gia. Do đó, trường không chấp nhận chứng chỉ được cấp sau thời hạn quy định.

Trước đó, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp nộp chứng chỉ sau thời gian quy định (nộp trực tiếp bản sao chứng chỉ tiếng Anh tại trường, dự kiến từ ngày 24-8 đến 26-8) đã được chấp nhận bổ sung hồ sơ sau khi có ý kiến từ Bộ GD-ĐT.

Hậu quả của “lách”

Một cách lách quy định khác, dù không phổ biến nhưng cũng có thể khiến thí sinh mất cơ hội xét tuyển vào trường thực sự mong muốn.

Dù xét tuyển theo phương thức nào, khi thí sinh trúng tuyển trường đều yêu cầu xác nhận nhập học bằng cách nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi. Và trong số này có thí sinh gửi bản scan màu hoặc photo giấy chứng nhận kết quả.

nhaphoc111 2(read-only)

Thí sinh làm thủ tục nhập học theo phương thức xét học bạ vào Trường ĐH Kinh tế – tài chính TP.HCM – Ảnh: M.G.

Ông Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho hay có trường hợp nộp bản scan màu nhưng trường không chấp nhận, không đưa vào hệ thống.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết với bản scan màu, trường vẫn quét mã vạch đưa vào hệ thống. Khi thí sinh nhập học trường yêu cầu nộp bản chính giấy chứng nhận để tránh các trường hợp khiếu nại sau này.

Ngày 5-10 công bố điểm chuẩn

Sau khi thí sinh hoàn tất điều chỉnh nguyện vọng, các sở GD-ĐT nhập dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT

– Từ ngày 2 đến 4-10: thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1.

– Trước 17h ngày 5-10: trường đại học công bố điểm chuẩn đợt 1.

– Trước 17h ngày 10-10: thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đợt 1.

– Từ ngày 15-10: các trường xét tuyển bổ sung (nếu thiếu chỉ tiêu).

Theo Báo Tuổi Trẻ