Đó là lời khuyên của thầy Hiệu trưởng Đàm Thanh Lạc – Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang) – một trong những tập thể điển hình tiêu biểu của ngành Giáo dục trong quý IV/2017. Thầy Lạc đã có những chia sẻ với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại về công tác chuẩn bị cho kỳ THPT quốc gia 2018.
* Hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ THPT quốc gia 2018 của nhà trường đã và đang được chuẩn bị như thế nào – thưa thầy?
– Thầy Đàm Thanh Lạc: Trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đã tiến hành khảo sát nguyện vọng chọn bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trên cơ sở đó, nhà trường xếp lớp phù hợp để thuận lợi cho các em học chính khóa cũng như ôn tập.
Công tác ôn tập, phụ đạo được nhà trường triển khai sớm và thời lượng hợp lý (bình quân mỗi môn ôn thi 2 tiết/ tuần) để tránh quá tải và gây áp lực cho học sinh.
Nhà trường cũng đã quán triệt kịp thời đến các em những điểm mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 như: Nội dung chương trình ra đề, điểm liệt đối với từng bài thi, hướng dẫn các em chọn lựa bài thi phù hợp với năng lực, sở trường…
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập THPT Quốc gia, mỗi tổ chuyên môn cụ thể hóa kế hoạch ôn của từng môn, có khung nội dung ôn chi tiết đối với từng chương, bài, chuyên đề, chủ đề…
* Kỳ THPT quốc gia đang đến gần, tuy nhiên nhiều em vẫn còn lúng túng trong cách học và chưa biết xây dựng kế hoạch học tập hợp lý. Vậy thầy có lời khuyên nào dành cho các em?
– Thầy Đàm Thanh Lạc: Hiện nay, nhà trường đang trong giai đoạn hoàn thành chương trình học kỳ II của lớp 12 và tổ chức ôn tập để các em thi học kỳ. Song song với nhiệm vụ ôn tập để thi học kỳ II thì các em cũng cần hệ thống lại kiến thức cơ bản của lớp 11 và nội dung kiến thức lớp 12.
Nhà trường khuyến khích học sinh xây dựng kế hoạch tự học và dành nhiều thời gian cho việc tự học ở nhà. Đối với các buổi ôn ở trường, các em chủ yếu tập trung giải các đề thi được các thầy cô sưu tầm hoặc tự soạn thảo, đặc biệt là đối với các bài thi trắc nghiệm. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn kỹ năng làm bài, phân bổ thời gian làm bài, cách đọc, hiểu các câu hỏi…
* Hiện nay đang là thời gian các em đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, ở lứa tuổi của các em, việc chọn nghề, chọn trường vẫn luôn là bài toán nan giải và cần rất nhiều sự giúp đỡ, tư vấn hỗ trợ của bố, mẹ và thầy, cô giáo. Với tư cách là một thầy giáo thầy có tư vấn gì để các em lựa chọn được đúng ngành nghề và đúng trường học phù hợp bản thân?
– Thầy Đàm Thanh Lạc: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đang đến rất gần, việc chọn trường, chọn nghề là vấn đề được các em học sinh đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, nhà trường cũng tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho các em.
Hiện nay, xu hướng xã hội đang “thừa thầy, thiếu thợ”, do đó những em học sinh có học lực trung bình, khá hoặc gia đình gặp khó khăn thì không nên đặt nặng mục tiêu phải vào đại học.
Ngay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, rất cần nguồn nhân lực ở khu công nghiệp Thạnh Lộc và Phú Quốc, do đó cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các em. Các em có thể tham khảo và có sự lựa chọn phù hợp nhất cho mình.
Có một thực tế là, nhiều học sinh đang chạy theo những ngành “hot” trong xã hội mà không nghiên cứu đến cung – cầu của thị trường lao động. Đây là một trong những sai lầm trong việc chọn ngành, nghề của các em và hệ quả tất yếu là cung vượt quá cầu đối với một số ngành nghề; sinh viên thất nghiệp khi ra trường hoặc phải làm công việc không đúng với chuyên ngành đào tạo.
Do đó, trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, tôi luôn chú trọng chỉ ra những sai lầm khi chọn nghề mà các em hay mắc phải. Đồng thời, cung cấp cho các em những thông tin cần thiết để các em có quyết định đúng đắn khi chọn nghề nghiệp tương lai.
Theo GiaoducThoidai