Đó là một trong nhiều điểm nhấn đáng chú ý trong tham luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong tham luận, ông Nhạ cũng điểm qua những thành tựu và hạn chế của ngành trong 5 năm qua.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả, trong đó, đổi mới thi tốt nghiệp THPT khắc phục được cơ bản tình trạng học lệch, học tủ ở bậc phổ thông.
Việc tổ chức thi ngay tại địa phương, không phải tập trung về các thành phố lớn nhiều đợt như trước đây đã giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
“Phương thức và nội dung thi sẽ thực hiện ổn định trong giai đoạn 2021-2025, tạo được tâm lý yên tâm trong xã hội” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ông Nhạ cũng thông tin ngành giáo dục đào tạo đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Nếu như năm 2014 cả nước mới có 18 tỉnh/thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì năm 2017 tất cả các địa phương đã hoàn thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh/thành phố đạt mức độ 3. Giáo dục trung học cơ sở đã đạt chuẩn phổ cập mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Chỉ số về tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, đứng thứ 2 ASEAN, chỉ sau Singapore.
Năm 2019, bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương lựa chọn sử dụng. Theo ông Nhạ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục thực hiện chủ trương này, phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành sách giáo khoa, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.
Trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025, ông Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Ngành giáo dục sẽ tiếp tục tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học được chú trọng bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các địa phương cũng sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh.
Ngoài ra, mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, sư phạm được quy hoạch bảo đảm gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu kinh tế số, xã hội số.
Ông Nhạ nhấn mạnh sắp xếp lại các đại học, trường đại học công lập bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Trong thời gian tới cũng sẽ hình thành một số đại học, trường đại học trọng điểm; khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục, nhất là các trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.