Thủ khoa 30 điểm của Học viện An ninh chỉ lỗi sai thí sinh thường mắc

0
2113

Nguyễn Thị Kim Ngân  – Thủ khoa khối C năm 2016 và cũng là thủ khoa Học viện An ninh đã chỉ ra những lỗi thí sinh thường gặp phải khi làm bài thi THPT Quốc gia.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, Nguyễn Thị Kim Ngân (1997) xuất sắc đạt điểm 3 môn khối C khiến nhiều người ngưỡng mộ: Văn: 9,25; Sử: 9,5 và Địa 9,75.

Ngoài ra, Ngân được cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên ở khu vực nên đã được 30 điểm, trở thành thủ khoa khối C ở cụm thi số 17 do Đại học Xây dựng (Hà Nội) chủ trì.

Năm 2015, cô đạt 25,5 điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia. Cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên khu vực và 1 điểm đạt giải khuyến khích học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn nên tổng cộng Ngân được 28 điểm.

Lần đó, vì thiếu 1 điểm khi đăng ký xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân, cô gái này chỉ trúng tuyển nguyện 2 ở Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Vì yêu thích Học viện An ninh nhân dân từ lâu, hết học kỳ I ở trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Ngân đã xin bảo lưu kết quả học tập và trở về quê để tập trung ôn luyện cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.

Với kết quả đạt được trong kỳ thi THPT, cô gái Lạng Sơn này đã đăng ký và đỗ thủ khoa Học viện An ninh nhân dân. Hiện tại, cô đang theo học chuyên ngành An ninh điều tra.

Kim Ngân cho rằng, ba môn khối C như “cỗ máy thần kỳ” đưa cô đến mọi nơi, mọi vùng đất vào mọi thời điểm. Từ đó, Ngân hiểu thêm về cuộc sống, về những con người mà cô chưa từng gặp.

Nữ sinh này học đều cả 3 môn Văn, Sử, Địa. Theo Ngân, vì đây là những môn học thuộc nên thí sinh cần lựa chọn cách học hợp lý để vừa nhớ sự kiện vừa hiểu được bản chất sự việc, vấn đề nêu lên trong từng bài học.

Khoảng 2 tháng nữa là tới kỳ thi THPT Quốc gia, nữ thủ khoa Kim Ngâncho rằng, nghĩ thời gian này các thí sinh nên bắt đầu tổng hợp, xâu chuỗi các kiến thức đã học về các môn thi. Dần dần, thí sinh tiến tới làm đề thi để quen hơn với cách làm, luyện được kiến thức và tư duy một cách chắc chắn nhất.

Cô bạn này chia sẻ: “Mình nghĩ khối C có lượng kiến thức học thuộc khá nhiều nhưng đó là học thuộc trên cơ sở hiểu bản chất vấn đề đang nói đến. Thậm chí, có thể không cần mất quá nhiều thời gian học thuộc, thay vào đó, thí sinh nên làm bài tập và chú ý nghe giảng.

Những kiến thức học thuộc của khối C như những câu nói tiêu biểu, mốc sự kiện lịch sử… là những dẫn chứng trong bài thi. Điều làm nên thành công của một bài thi gồm nhiều yếu tố như kỹ năng làm bài, tư duy, dẫn chứng cụ thể”.

Kim Ngân luôn dành nhiều thời gian cho việc làm các dạng bài tập theo sự hướng dẫn của cô giáo, từ đó, rèn được kỹ năng làm bài, củng cố kiến thức.

“Khi kỹ năng và kiến thức nắm tương đối vững, vào gần ngày thi, mình thường dành thời gian học thuộc nhiều hơn để trong quá trình làm bài tránh thiếu ý, mất điểm một cách đáng tiếc”, cô bạn nói.

Thủ khoa Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra những lỗi thí sinh thường gặp phải. Thứ nhất, thí sinh thường bỏ qua khâu đọc kỹ đề và gạch ra những ý chính mà quên rằng, đó là 2 bước quyết định hướng đi đúng hay sai của bài làm. Thứ hai, thí sinh chưa xác định rõ câu hỏi do chưa đọc kỹ đề thi khiến bài viết trở nên lan man, không trọng tâm, không rõ ý.

Trong ba môn Văn, Sử, Địa, cô thủ khoa này vẫn thích vẫn môn Lịch sử. Ngân khuyên thí sinh nên chia Lịch sử thành các giai đoạn và xem trong giai đoạn đó diễn ra những sự kiện gì. Sau đó, thí sinh làm bài tập theo chuyên đề.

Ví dụ về chuyên đề Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 hay chuyên đề Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp… để nắm vững sự kiện một cách chi tiết hơn.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng chú ý học thuộc vì Lịch sử là những sự kiện và mốc thời gian nên dễ lẫn lộn. Làm như vậy vì thí sinh không thể nhớ quá nhiều mốc thời gian và sự kiện nếu không học thuộc.

Năm nay, môn Lịch sử được đổi mới bằng hình thức thi trắc nghiệm, Ngân nghĩ đây là cách thi khá khó vì có nhiều câu hỏi về những chi tiểt dễ bị bỏ qua, nhiều câu có nội dung gần giống nhau. Vậy nên, thí sinh nên đọc thật kỹ vì không vững kiến thức rất dễ bị nhầm.

Đối với môn Văn, phần văn nghị luận có nhiều dạng bài, thí sinh nên chú ý tới đề bài yêu cầu phân tích, chứng minh hay bình luận. Thí sinh cần chú ý tới nội dung đề bài yêu cầu để tránh lạc đề.

Trong bài văn nghị luận, sỹ tử cần chú trọng luận điểm rõ ràng, dẫn chứng xác thực. Khi đọc đề bài nên gạch ý ra giấy nháp để tránh thiếu ý, sót ý trong khi viết.

Kim Ngân ủng hộ việc thí sinh học nhóm. Theo cô, học nhóm giúp sỹ tử tiếp thu nhanh hơn các sự kiện, mốc thời gian. Không chỉ vậy, trong lúc học nhóm, các sỹ tử có thể trao đổi nếu không biết hoặc chưa rõ về sự kiện nào.

Để có tâm lí tốt, thí sinh không nên đặt cho mình quá nhiều áp lực. Cô cho biết, tuy nhiều lúc áp lực giúp thí sinh có động lực để cố gắng nhưng quá nhiều áp lực sẽ khiến mệt mỏi và học tập kém hiệu quả.

“Mình vẫn luôn tự nhủ rằng, điều quan trọng với kỳ thi không phải là đỗ hay không, mà là bản thân đã cố gắng hết khả năng nên dù kết quả không cao cũng không phải quá nuối tiếc”, thủ khoa Đặng Thị Kim Ngân cho hay.

VTC